Đột phá phát triển kinh tế với trọng tâm là kinh tế rừng, Đông Giang đã đạt một số thành quả ban đầu; tuy nhiên, tiềm năng thế mạnh của lĩnh vực này vẫn chưa khai thác đúng mức.
“Đánh thức” kinh tế rừng
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương cho biết, Đông Giang đã và đang tập trung phát triển kinh tế, trọng tâm là “đánh thức” kinh tế rừng, bảo vệ vững chắc diện tích rừng tự nhiên.
Theo thống kê, tổng diện tích tự nhiên huyện Đông Giang là hơn 82.185ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng chiếm hơn 69.960ha. Việc địa phương miền núi cao, đất lâm nghiệp chiếm phần lớn như Đông Giang lựa chọn phát triển kinh tế dựa vào rừng là hướng đi hợp lý, trên tinh thần “thuận thiên” để vừa bảo vệ rừng, phát huy giá trị đa dạng sinh học vừa cải thiện sinh kế cho người dân.
Thực hiện mục tiêu trên, huyện chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý bảo vệ và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 156 của Chính phủ, cùng các chương trình bảo vệ rừng khác nhằm đảm bảo giúp người dân trồng rừng, tham gia giữ rừng hiệu quả.
Các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện ổn định. Nhờ có nguồn thu nhập và đơn giá bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên (trung bình 500 nghìn đồng/ha), người dân yên tâm giữ rừng và ổn định cuộc sống.
Ông Lê Vương - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang chia sẻ, khi triển khai các chương trình, chính sách của tỉnh và Trung ương có liên quan, địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ người dân chuyển trồng cây nguyên liệu sang cây lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Theo đó, mỗi năm Đông Giang phấn đấu trồng 800ha rừng gỗ lớn. Hiện nay, người dân đã trồng khoảng 500ha cây quế (chủ yếu tập trung ở thị trấn Prao), 30ha cây gáo (các xã Mà Cooih, A Ting), còn cây dổi vàng được trồng phân tán ở một số nơi. Sắp tới đây, HĐND huyện sẽ tổ chức đoàn công tác ra Yên Bái để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhằm áp dụng và nhân rộng trồng quế cao sản.
Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng theo Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh tiếp tục được huyện quan tâm triển khai. Theo đó, địa phương hỗ trợ trồng cây chè dây tại xã Ba, xã Tư; cây sâm bảy lá một hoa tại thị trấn Prao, các xã A Rooi và Tà Lu; cây ba kích tím tại các xã, thị trấn; cây thổ phục linh tại xã Tư. Phương án triển khai trồng thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh được xây dựng.
Các dự án liên kết chuỗi giá trị trồng cây dược liệu ba kích tím, trồng cây quế đang diễn ra thuận lợi, hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, vừa bảo vệ môi trường rừng.
Huyện cũng thúc đẩy tiến độ dự án trồng 100ha quế kết hợp xen canh gừng, nghệ tại xã Tư do Công ty CP Tập đoàn Trân Châu thực hiện. Xúc tiến mời gọi thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, cấp chứng chỉ rừng, khai thác rừng; bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng...
Nhiều rào cản
Ông Lê Vương kể, một số người dân chia sẻ rằng, họ đã nhận thức “qua 3 mùa keo thì mình đã già”. Bà con giải thích: “Mình tầm 30 - 40 tuổi được cha mẹ cho đất để trồng keo, qua 3 - 4 vụ thu hoạch là đã đến tuổi già. Ngược lại, thu nhập từ cây keo thấp, lại làm xấu đất và ảnh hưởng môi trường rừng”.
Vì lẽ đó, họ quyết chuyển sang trồng cây lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, ngại liên kết phát triển sản xuất. Kinh phí hỗ trợ liên quan đến phát triển kinh tế rừng khá lớn, song với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, người dân ở mỗi chỗ sở hữu ít diện tích đất thì rất khó tạo nên vùng sản xuất quy mô.
Chính quyền huyện cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương vấp phải vướng mắc liên quan đến quy định hạng mục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung.
Theo quy định tại điều 19, Thông tư số 12 ngày 20/9/2022 của Bộ NN&PTNT, đối tượng là hộ gia đình phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền; đồng thời mức hỗ trợ không quá 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo là quá thấp so với thực tế đầu tư.
Do đó, huyện kiến nghị cần nới lỏng quy định về đối tượng, tiêu chí để người dân có thể tiếp cận như đất rừng phòng hộ, sản xuất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân, không có tranh chấp; nâng mức hỗ trợ kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung đúng với nhu cầu thực tế đầu tư (từ 5 - 10 triệu đồng/ha) để khích lệ, thu hút các hộ tham gia.
Ngoài ra, theo Quyết định số 120 ngày 11/1/2017 của UBND tỉnh, đất ngoài 3 loại rừng của Đông Giang là rất lớn và nằm liền kề với đất quy hoạch rừng sản xuất. Người dân vẫn đang phát triển rừng trồng trên đất ngoài 3 loại rừng này. Tuy nhiên, Thông tư số 12 của Bộ NN&PTNT quy định chỉ hỗ trợ cho diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất.
Rõ ràng, quy định vừa nêu sẽ là điểm nghẽn hỗ trợ trồng rừng đối với diện tích đất ngoài 3 loại rừng theo Quyết định số 120. Để tháo gỡ vướng mắc, địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho sát thực tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị của rừng...