Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang: Phát triển du lịch gắn với rừng

ALĂNG NGƯỚC 28/10/2019 11:37

Đó là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra bàn bạc tại Hội nghị giao ban giữa Ban Thường vụ Huyện ủy 3 huyện miền núi tây bắc Quảng Nam, gồm Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, diễn ra vào cuối tuần qua tại huyện Đông Giang. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị giao ban giữa Ban Thường vụ Huyện ủy 3 huyện miền núi tây bắc Quảng Nam. Ảnh: A.N
Quang cảnh Hội nghị giao ban giữa Ban Thường vụ Huyện ủy 3 huyện miền núi tây bắc Quảng Nam. Ảnh: A.N
Theo ông Lê Duy Thắng - Phó Bí thư Huyện ủy Đông Giang, qua 3 năm triển khai công tác phối hợp giữa Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện tây bắc của tỉnh, nhiều nội dung trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục và quốc phòng - an ninh luôn được các địa phương quan tâm thực hiện và đạt kết quả quan trọng. Bên cạnh thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện còn tổ chức triển khai hỗ trợ cây giống lâm nghiệp trồng rừng và liên kết, thu hút kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn; đồng thời phát triển trồng cây dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và kết nối du lịch. “Những năm qua, cùng với thường xuyên trao đổi thông tin về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, chúng tôi cũng đẩy mạnh tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đồng bào địa phương đến với du khách trong và ngoài nước” - ông Thắng cho biết thêm.

Chung tay xóa bỏ  hủ tục lạc hậu

Ông Chơrum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, bên cạnh ký kết hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh khu vực miền núi, vùng giáp ranh, Biên bản ghi nhớ giữa các địa phương còn thống nhất việc chung tay xóa bỏ hủ tục lạc hậu, hướng đến xây dựng vùng liên kết phát triển toàn diện. Thông qua các nội dung phối hợp nhằm xóa bỏ dần các tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan trong cộng đồng miền núi vùng tây bắc của tỉnh, như: không đâm trâu trong cưới gả, về nhà mới; không gả con cái khi chưa đủ tuổi kết hôn; không đòi quà thách cưới; không hôn nhân cận huyết thống...

Giám đốc Sở VH-TT&DL - Nguyễn Thanh Hồng cho hay, bên cạnh sự tương đồng về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, lợi thế của Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang còn là vùng đất của nhiều danh lam thắng cảnh, cùng di tích lịch sử đặc trưng, rất phù hợp trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Vì thế, bên cạnh việc kêu gọi thu hút đầu tư và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo hướng trọng điểm, các địa phương cần xây dựng mô hình làng du lịch văn hóa truyền thống cộng đồng, nhằm vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy vai trò cộng đồng, vừa hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế du lịch. “Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở miền núi không nên thực hiện dàn trải, mà chỉ tập trung thí điểm ở từng khu vực cụ thể. Mỗi huyện có thể chọn một điểm thuận lợi về giao thông, có tiềm năng về văn hóa để hình thành làng du lịch kiểu mẫu gắn với phát triển nông thôn mới, tạo ra các tour du lịch hấp dẫn du khách” - ông Hồng nói.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc thực hiện liên kết giữa 3 huyện trong thời gian qua được triển khai một cách chủ động và hiệu quả, xem đó như một cách làm hay giúp các địa phương kết nối, tìm hướng đi mới bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho đồng bào miền núi. Thống nhất cao các nội dung liên quan đến đề án phát triển du lịch gắn với trồng rừng gỗ lớn và phát triển cây dược liệu, ông Thanh nói, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần có sự chung tay của doanh nghiệp trong việc đầu tư, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, xem đây là chiến lược mang tính đột phá trong phát triển kinh tế của các địa phương. Do vậy, song song với việc xác định mục tiêu, cần đánh giá thực trạng cụ thể về phát triển du lịch, quá trình trồng cây dược liệu và trồng rừng gỗ lớn hiện nay ở các địa phương, để có cơ sở xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc triển khai cũng cần phải tham vấn ý kiến từ người dân, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo theo cơ chế hoạt động trong ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ xây dựng thêm một số cơ chế chính sách tốt hơn đối với các nhóm vấn đề liên quan đến phát triển du lịch gắn với trồng rừng gỗ lớn và phát triển cây dược liệu. Vì thế, các địa phương cần tận dụng tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để liên kết phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhất. “Việc phát triển du lịch phải đi đôi với tạo thêm các sản phẩm du lịch, trên cơ sở xây dựng đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp miền núi nhằm kích thích sự phát triển của cộng đồng miền núi, hình thành sản phẩm du lịch gắn với tiêu thụ thương mại một cách bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang: Phát triển du lịch gắn với rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO