Đông Giang thực hiện nhiệm vụ năm 2023: Đối mặt nhiều thách thức

CÔNG TÚ 23/12/2022 08:34

Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 của Đông Giang có nhiều điểm sáng khi huyện thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, việc duy trì, phát huy thành quả đạt được cho năm 2023 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cầu Sông Vầu (nối xã Ba với xã Tư) bị hư hỏng nặng do lũ lụt cần được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: C.T
Cầu Sông Vầu (nối xã Ba với xã Tư) bị hư hỏng nặng do lũ lụt cần được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: C.T

Điểm sáng

Cách đây hơn 7 tháng, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (xã Mà Cooih) với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng chính thức đưa vào phục vụ giai đoạn 1. Khu du lịch này đem lại nguồn thu cho ngân sách, giải quyết hàng trăm lao động là người Cơ Tu, mở ra cơ hội sản xuất, cung cấp sản phẩm dịch vụ với đồng bào miền núi.

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các dự án Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng, nhà máy sản xuất gạch tuynel tại thôn Đông Sơn (xã Ba) cũng được khởi động trở lại...

Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, thu hút đầu tư năm 2022 của địa phương đạt nhiều kết quả. Điển hình như huyện lập thủ tục hồ sơ trình các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh thống nhất chủ trương triển khai dự án nông nghiệp hữu cơ của Hợp tác xã Tây Bà Nà (xã Ba); Công ty CP Tập đoàn Trân Châu khảo sát, đề xuất dự án liên kết trồng quế kết hợp xen canh cây ngắn ngày (gừng, nghệ).

Huyện còn tạo điều kiện, phối hợp với Công ty CP Capella Group nghiên cứu khảo sát, đề xuất ý tưởng dự án Khu phức hợp đô thị - thể thao - du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tây Bà Nà (xã Ba, xã Tư).

Khung cảnh một thác nước tự nhiên trong Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Ảnh: CT
Khung cảnh một thác nước tự nhiên trong Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Ảnh: CT

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của huyện tập trung khắc phục và đã thực hiện tốt kế hoạch năm 2022 với nền kinh tế tăng trưởng khá. So với kế hoạch, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 101,9%; sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 105,71%; dịch vụ ước đạt 102,73%; tổng thu ngân sách nhà nước của huyện đạt 274,02%...

Chất lượng giáo dục được nâng lên, khi có 260/270 học sinh tốt nghiệp kỳ thi THPT cấp quốc gia năm học 2021 - 2022 (chiếm 96,3%). Toàn huyện có 9/26 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt so với nghị quyết của Huyện ủy). Đào tạo nghề cho 140 người, vượt chỉ tiêu so với nghị quyết.

Huyện đăng cai tổ chức thành công Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ II năm 2022. Đời sống nhân dân được quan tâm chăm lo, chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,05 triệu đồng/năm, đạt 100,15% kế hoạch.

Đối mặt thách thức

Ông A Vô Tô Phương cho biết, Đông Giang có 5 chỉ tiêu không đạt so với Nghị quyết 16 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện nhiệm vụ năm 2022 liên quan đến thu nội địa do huyện quản lý thu, xây dựng trường đạt chuẩn, duy trì trạm y tế đạt chuẩn, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi), tỷ lệ xã, thị trấn an toàn về an ninh trật tự.

Một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy chưa được giải quyết dứt điểm. Việc triển khai thực hiện nhà ở cho người có công cách mạng, triển khai dự án khu tái định cư Bến Hiên và di dời dân về nơi ở mới còn chậm. Quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai còn nhiều thiếu sót...

Địa phương đã xác định nguyên nhân dẫn đến tồn tại, khuyết điểm. Ngoài việc phải khắc phục vướng mắc gặp phải, huyện phải đối mặt với nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đơn cử, suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, dự báo năm 2023 là năm rất khó khăn về kinh tế, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, nhiều loại dịch bệnh ở người như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ đặt ra cho huyện bài toán khó giải trong công tác phòng, chống. Thu ngân sách gặp khó khăn; nhiều cơ chế, chính sách, dự án đầu tư yêu cầu vốn đối ứng ngân sách huyện cao, khó cân đối; khả năng huy động nguồn lực trong dân hạn chế nên nhiều chương trình, chính sách khó thực hiện hoàn thành...

Để đạt mục tiêu của năm 2023, lãnh đạo UBND huyện đã đề ra những giải pháp quan trọng. Trước hết, Đông Giang sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật; quyết tâm nâng cao thứ bậc cải cách hành chính. Khôi phục sản xuất, khắc phục khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão, lũ.

Chú trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng tập trung, hiện đại, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu có quy mô gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch làm động lực thúc đẩy các chuỗi sản xuất, thu hút đầu tư.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo công tác an sinh, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang thực hiện nhiệm vụ năm 2023: Đối mặt nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO