Đông Giang đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về việc triển khai những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Nhận diện khó khăn
* Thưa ông, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2024, địa phương đã nhận diện những mặt thuận lợi và khó khăn nào?
* Ông A Vô Tô Phương: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Giữa bối cảnh trên, Đông Giang có nhiều thuận lợi là các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được Trung ương, tỉnh quan tâm, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đông Giang có điều kiện để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp vì thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi hơn so với các huyện giáp ranh khác.
Giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống người Cơ Tu có cơ hội để phát huy và phát triển. Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã đi vào hoạt động, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương...
Còn về thách thức, Đông Giang có địa hình khá phức tạp, độ dốc cao cản trở tổ chức không gian phát triển vùng; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Nội lực nền kinh tế của huyện thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư cho phát triển, khả năng huy động nguồn lực trong dân hạn chế.
Sở hữu tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, song thực tế phần lớn diện tích đất rừng sản xuất được người dân trồng keo nên hiệu quả kinh tế không cao.
Huyện chủ trương chuyển đổi diện tích cây keo hiện có sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như cây quế, giổi … Đây là việc không hề đơn giản, cần phải có lộ trình, cách làm phù hợp, đặc biệt là khâu tuyên truyền, vận động người dân.
Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tham gia các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn. Trục quốc lộ 14G vẫn chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng, chỉ mới sửa chữa chắp vá, nên vẫn là rào cản lớn nhất cho phát triển KT - XH và thu hút đầu tư.
* Đông Giang làm gì để triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn?
* Ông A Vô Tô Phương: Chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc của ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của các cấp theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xã điểm nông thôn mới (NTM), thôn điểm xây dựng NTM kiểu mẫu theo lộ trình, mục tiêu đã đề ra giai đoạn 2021 - 2025 và các xã duy trì đạt chuẩn xã NTM. Đầu tư các tiêu chí gần hoàn thành và các dự án về sản xuất, hạ tầng dân sinh; dự án có tính chất đột phá để phát triển kinh tế ở địa phương.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ giám sát, chỉ đạo xử lý những cá nhân, cơ quan, đơn vị nào làm việc cầm chừng, thiếu trách nhiệm trong thực hiện 3 chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát về tiến độ, lộ trình thực hiện của các cơ quan tham mưu. Mỗi tháng 2 lần, huyện sẽ làm việc với các địa phương được giao vốn để nghe kết quả làm được, kịp thời nắm bắt vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ.
Phát huy thế mạnh địa phương
* Đông Giang có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp, địa phương sẽ làm gì để phát huy thế mạnh này?
* Ông A Vô Tô Phương: Chúng tôi đã kiên trì, vận động người dân chuyển đổi dần diện tích trồng keo sang các loại cây có giá trị kinh tế lớn hơn, ổn định và bền vững hơn.
Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, một số hộ dân ở tổ dân phố A Dinh (thị trấn Prao) đã chuyển sang trồng cây quế với hàng chục héc ta. Loại quế này có chu kỳ sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian khai thác. Năm 2023, huyện đã cử đoàn ra Yên Bái để tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình trồng quế.
Riêng năm 2023, toàn huyện đã chuyển đổi được 811ha trồng keo sang trồng quế. Dự kiến năm 2024, huyện phấn đấu trồng thêm 800ha. Điều đáng mừng là chúng tôi đã mời gọi được doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trồng quế; không chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm mà còn hướng đến chế biến sâu thành sản phẩm OCOP.
Chu kỳ trồng quế đến khi thu hoạch dài gấp đôi so với trồng keo, nhưng giá trị mang lại gấp nhiều lần cây keo. Nếu mọi việc thuận lợi, người dân tham gia sẽ có nguồn thu nhập cao sau thu hoạch.
Địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn; chuyển mạnh và hướng đến trồng cây ăn quả dài ngày. Từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu để phục vụ công nghiệp chế biến, lấy gỗ làm nhà.
* Xin cảm ơn ông!