Đông Giang trước vận hội mới

CÔNG TÚ 27/01/2022 05:37

Thách thức, khó khăn là thực tế không thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà huyện Đông Giang đã đặt ra năm 2022. Tuy nhiên, huyện cũng sẽ đón nhận nhiều vận hội mới, tạo cơ sở để biến mục tiêu trở thành hiện thực.

Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Ảnh: C.T
Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Ảnh: C.T

Thêm nhiều nguồn lực

Đi dọc đường ĐT609, qua các xã Kà Dăng và Mà Cooih, du khách có thể nhìn thấy bên phải tuyến nhiều mái nhà được cách điệu, nằm xen lẫn giữa cây lá xanh tươi của núi rừng Đông Giang. Đó chính là quầy bán vé, đồ lưu niệm hay nhà điều hành thuộc Khu du lịch sinh thái (DLST) Cổng trời Đông Giang.

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Khu DLST Hang Gợp (trực thuộc Tập đoàn FVG) cho biết, tổng vốn đầu tư khu du lịch 2.600 tỷ đồng. Dự án sẽ có hạng mục khu nhà trưng bày kết hợp lưu trú, nhà trưng bày chủ đề Cơ Tu, làng Cơ Tu cổ, đài vọng cảnh, nhà điều hành, khối phụ trợ, khách sạn lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng, spa, nhà hàng, khu thể dục, vui chơi trẻ em.

Khu cắm trại, suối tự nhiên, các hồ nước nhân tạo, quảng trường tập trung, hồ tràn cảnh quan, giải trí và cảnh quan khai thác nhân tạo, trượt thác hay ga cáp treo… đang thành hình. Doanh nghiệp gấp rút hoàn thiện, đưa giai đoạn 1 dự án vào khai trương đúng dịp 30.4.2022.

Khu DLST Cổng trời Đông Giang sắp đưa vào khai thác phục vụ du khách là thông tin đáng chú ý ngay đầu năm 2022, hứa hẹn tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi lẽ, khu DLST tầm cỡ nêu trên sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt, dễ thấy nhất là giải quyết việc làm tại chỗ, thu ngân sách, cùng nhiều dịch vụ ăn theo khác mà cư dân bản địa có thể cung cấp.

Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, một số dự án đầu tư vào địa bàn huyện cũng khởi động trở lại trong năm nay như Khu DLST suối khoáng nóng A Păng, nhà máy gạch tuynel Quốc Tân. Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư Khu DLST và văn hóa Hồ Ban Mai, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Tây Bà Nà, khu đô thị mới tại xã Ba...

Đông Giang có thêm nhiều động lực phát triển trong năm 2022, chẳng hạn nguồn lực đầu tư, khả năng huy động vốn ngoài ngân sách tăng hơn năm 2021 và cơ chế chính sách đầu tư về nông thôn mới, giảm nghèo, chính sách dân tộc, sắp xếp dân cư sẽ được tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để huyện triển khai các dự án lớn.

Các quy hoạch có tính định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, trung tâm xã được tỉnh phê duyệt và chủ trương triển khai; an ninh chính trị và đời sống người dân ổn định, từng bước được nâng lên.

Ông A Vô Tô Phương cho hay: “Chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh cụ thể hóa như giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... sẽ tác động đáng kể đến địa phương”.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Nói về nhiệm vụ đột phá năm 2022, Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy chia sẻ, huyện sẽ tập trung lập quy hoạch, phát triển đô thị trên cơ sở tranh thủ nguồn kiến thiết thị chính do tỉnh hỗ trợ. Trước mắt, huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị thị trấn Prao, thu hút đầu tư cho đạt chuẩn các tiêu chí đô thị loại V.

Hoàn thành lập đồ án quy hoạch đô thị Sông Vàng (xã Ba) giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045, đồ án quy hoạch chung xã Mà Cooih, xã Jơ Ngây. Qua quy hoạch, xã Ba là trung tâm vùng 1, xã Jơ Ngây thuộc trung tâm vùng 2, trung tâm vùng 3 ở thị trấn Prao, xã Mà Cooi nằm trung tâm vùng 4, huyện sẽ định vị đúng hướng để đầu tư, phát triển cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Về lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, chính quyền huyện Đông Giang sẽ tiếp tục bám sát quy hoạch, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển và các đề án chuyên ngành khác để thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa và vùng nguyên liệu, dược liệu tập trung, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, liên kết sản xuất.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực theo thế mạnh của từng vùng trên cơ sở danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh đã ban hành.

Địa phương lưu ý nghiên cứu, tuyển chọn các loài cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, có khả năng chống chịu gió bão, sạt lở; chuyển mạnh và hướng đến không trồng cây keo ở khu vực gần dân cư, sườn đồi, nơi có nguy cơ sạt lở cao để trồng cây ăn quả dài ngày. Chuyển đổi dần diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất nhằm phục vụ công nghiệp chế biến, lấy gỗ làm nhà và công trình văn hóa trên địa bàn.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp thôn Bốn (xã Ba) sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Huyện còn tập trung phát triển hạ tầng cho các làng nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre nứa; ưu tiên đầu tư cho các thôn Đhrồng (xã Tà Lu), thôn Bhơhôồng (xã Sông Kôn).

Từ nguồn vốn khoa học công nghệ, đề tài ớt A Riêu, tuyển chọn các giống dâu tây sẽ tiếp tục triển khai; đẩy mạnh nhân rộng đề tài cây chè dây, nghệ đen... Những sản phẩm chủ lực nêu trên cùng sản vật bản địa khác sẽ trở thành hàng hóa đưa vào thị trường, vừa phục vụ các dự án du lịch trên địa bàn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang trước vận hội mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO