Đóng giếng khoan ngày hè

GIANG BIÊN 03/06/2020 14:34

Đang vào cao điểm mùa nắng nóng, nhiều hộ dân ở xã Bình Chánh (Thăng Bình) thiếu nước sinh hoạt có nhu cầu đóng giếng khoan, nhưng không phải hộ nào cũng đủ điều kiện đầu tư bởi chi phí tương đối cao.

Thời điểm nắng nóng, nhu cầu khoan giếng của các hộ dân tăng cao. Ảnh: G.B
Thời điểm nắng nóng, nhu cầu khoan giếng của các hộ dân tăng cao. Ảnh: G.B

Mùa nắng nóng năm nào cũng làm bà Nguyễn Thị Minh (thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh) canh cánh nỗi lo. Cái giếng đào hàng chục năm qua của gia đình vào thời điểm nắng nóng, nước đã xuống tận đáy. Lượng nước trong giếng của bà Minh chỉ đủ mót dùng để sinh hoạt. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân xung quanh.

Không muốn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, vừa qua gia đình bà Minh quyết định thuê người đến đóng một cái giếng khoan với tổng kinh phí 14,5 triệu đồng. Hiện lượng nước từ giếng khoan dồi dào và trong vắt. Theo bà Minh, mấy năm trước, do chưa có tiền nên gia đình chưa nghĩ đến việc khoan giếng mà chỉ dùng tạm giếng đào.

“Cái giếng nhà tôi khoan trong vòng 1 ngày đêm, đến tận 42m. Bây giờ có nguồn nước dồi dào để dùng, gia đình tôi không còn phải lo việc thiếu nước. Nói thật chứ thiếu nước thì quá bất tiện, làm việc gì cũng lo sợ hết nước” - bà Minh tâm sự.

Hiện tại trên địa bàn xã Bình Chánh có 2 đài nước sạch chỉ đủ để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân 2 thôn Tú Trà và Ngũ Xã. Hiện 2 thôn còn lại gồm Long Hội và Mỹ Trà, người dân chưa có nước sạch để dùng mà sử dụng nước giếng tự đào.

Ông Hồ Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, địa phương đang trình cấp trên xin nguồn kinh phí xây dựng 2 đài nước sạch để đảm bảo nguồn nước cho người dân 2 thôn Long Hội và Mỹ Trà. Người dân ở 2 thôn này do chưa có nguồn nước sạch nên thường dùng nước giếng tự đào để sinh hoạt. Thường thì mùa cao điểm nắng nóng, hầu hết giếng đào đều thiếu nước. Do vậy, muốn có nước dồi dào để dùng trong sinh hoạt thì người dân phải bỏ tiền để khoan giếng. Tuy vậy số tiền đóng giếng khoan tương đối lớn.

Khoảng 10 năm trước, anh Lê Đình Thọ (thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú) đầu tư 200 triệu đồng để mua dàn máy khoan giếng. Vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, anh Thọ và 1 người thợ nữa rất bận rộn bởi phải vận chuyển giàn khoan đến đóng chân ở các vùng thiếu nước. Ngoài huyện Thăng Bình, anh Thọ còn khoan giếng cho các hộ dân ở huyện Phú Ninh, TP.Tam Kỳ. Theo anh, lúc trước khoan cắt, khoan lấy mẫu (lấy đá xanh dưới đất lên) nên mỗi cái giếng phải mất 3 - 5 ngày, thậm chí 10 ngày mới khoan được.

“Cả chủ nhà và chúng tôi đều thấy bất tiện vì kéo dài thời gian, tốn tiền nhân công và chi phí khác. Vào năm 2018, tôi đã bỏ thêm 600 triệu đồng nữa chuyển sang đầu tư hệ thống khoan hơi (nghiền nát đá) nên tốn ít công và thời gian. Trước khi khoan giếng, tôi phải đến trước để khảo sát địa điểm, tầng đất. Tuy nhiên tỷ lệ rủi ro cũng rất cao, không phải mũi khoan nào cũng có nước” - anh Thọ nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đóng giếng khoan ngày hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO