Hôm qua 27.10, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình ngư dân ở TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình.
Kiên tâm bám biển
TP.Hội An hiện có 54/737 tàu cá khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Với các nghề lưới quét, lưới rê 3 lớp, nghề câu, sản xuất xa bờ đem lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân. Đáng nói, cá hố - sản phẩm của nghề câu chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan đem lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân. Tuy vậy, phần lớn ngư dân Hội An sở hữu tàu thuyền có công suất dưới 20CV, hoạt động chủ yếu với nghề lưới ven bờ nên hiệu quả sản xuất thấp.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP.Hội An) cho biết, số lượng phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ trên địa bàn ngày càng giảm khi ngư dân chuyển nghề sang làm du lịch, dịch vụ.
Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tặng 160 suất quà tổng trị giá 160 triệu đồng đến 45 gia đình ngư dân ở TP.Hội An, 20 gia đình ngư dân thị xã Điện Bàn, 45 gia đình ngư dân huyện Duy Xuyên và 50 gia đình ngư dân huyện Thăng Bình. Tỉnh đoàn Quảng Nam tặng 45 suất quà đến 45 gia đình ngư dân TP.Hội An, 20 suất quà đến 20 gia đình ngư dân thị xã Điện Bàn (mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng).
“Do đại dịch Covid-19, sản phẩm của ngư dân không xuất khẩu được lại không tiêu thụ được ở nhà hàng, khách sạn nên đời sống ngư dân giảm sút so với mọi năm. Với các nghề sản xuất xa bờ đã định hình bấy lâu nay, ngư dân kiên tâm bám biển, giữ biển Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Lê Công Sỹ nói.
Nghề cá của ngư dân thị xã Điện Bàn tập trung ở phường Điện Dương với 19 tàu cá có công suất 130 - 900CV, cùng 210 thúng máy có công suất 15 - 35CV và hơn 100 thuyền thúng thủ công. Trên địa bàn hiện có 420 hộ ngư dân với 500 lao động sản xuất trên biển, 300 lao động hậu cần nghề cá. Với các nghề chụp mực, lưới vây, lưới kéo, lưới rê, mỗi năm ngư dân khai thác được chừng 1.750 tấn hải sản đem lại thu nhập bình quân 45 triệu đồng/ người/năm.
Ông Phan Ngọc Hải - Trưởng ban Dân vận Thị ủy Điện Bàn cho biết, nghề cá của ngư dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do ngư lưới cụ còn thô sơ, năng lực khai thác hải sản còn yếu, ngư dân lại chưa chủ động nắm bắt ngư trường... Trong khi đó, nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt nên sản lượng khai thác giảm.
Hỗ trợ ngư dân
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hội An cho biết, luôn động viên, tiếp sức ngư dân bằng các hỗ trợ cụ thể. Hội An đã hỗ trợ phường Cẩm An, Cửa Đại 2 máy bộ đàm tầm xa để liên lạc thường xuyên với ngư dân, thông tin cụ thể về diễn biến thời tiết, hướng dẫn ngư dân tránh trú bão, neo đậu tàu cá an toàn. Bằng nguồn kinh phí của thành phố, Hội An đã liên hệ với Trường Đại học Nha Trang đào tạo bằng thuyền trưởng hạng 4 miễn phí cho 120 ngư dân. Hội An cũng đã xây dựng một bến cá ở phường Thanh Hà và 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở phường Cẩm Nam và xã đảo Tân Hiệp.
“Chúng tôi tiếp tục đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy miễn phí cho ngư dân cũng như giúp ngư dân hoàn chỉnh hồ sơ để thụ hưởng cơ chế hỗ trợ nhiên liệu của Chính phủ” - bà Nguyễn Thị Vân nói.
Ông Phan Ngọc Hải đề xuất Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân trên địa bàn tiếp cận vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển xa bờ; đồng thời mở các lớp đào tạo chuyển giao trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới giúp ngư dân cải thiện năng lực đánh bắt hải sản, bảo quản hải sản tốt hơn, nâng cao giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển.
Bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, Quảng Nam luôn quan tâm đến tình hình sản xuất cũng như đời sống của các gia đình ngư dân trên địa bàn. Các ngành chức năng của tỉnh luôn động viên, khuyến khích, tiếp sức ngư dân vượt qua khó khăn, bám giữ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.