Nâng cao trách nhiệm của thanh niên với môi trường, cộng đồng, xã hội; hỗ trợ lập thân lập nghiệp... là những việc làm thiết thực đạt được nhiều kết quả mà Huyện đoàn Quế Sơn triển khai thời gian qua.
Đường hoa thanh niên
Những ngày hè này, về xã Quế Phú bắt gặp màu áo xanh tình nguyện ở khắp các con đường thôn Đồng Tràm Tây và thôn Mông Nghệ Đông thực hiện công trình “Đường cây - đường hoa thanh niên” làm đẹp đường quê.
Chị Trần Thị Thu Dung - Bí thư Đoàn xã Quế Phú cho biết, để tiết kiệm chi phí, các đoàn viên lên huyện Tiên Phước tìm mua cây cau với giá rẻ, đồng thời xin các nhành cây chiều tím tại khu dân cư kiểu mẫu thôn Hương Quế Đông mang về cắt, phân loại, ngâm đến khi mọc rễ rồi mang ra trồng. Sau một thời gian chăm sóc, từ những tuyến đường mọc đầy cỏ dại, nay đã có 12 tuyến đường có thảm hoa chiều tím rực rỡ, hàng rào cau xanh mướt, tạo cảnh quan mới, sáng - xanh - sạch đẹp cho đường quê.
“Bên cạnh mục đích làm cho đường làng đẹp hơn, mô hình trồng hoa cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới” - chị Dung nói. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác như các xã Quế Hiệp, Quế Xuân 2, Quế Long, Quế Cường, những xã đang nỗ lực về đích nông thôn mới.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn - Bí thư Huyện đoàn Quế Sơn cho biết, bên cạnh những con đường hoa, từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn đã chỉ đạo các đoàn xã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan diện mạo làng quê. Như thị trấn Đông Phú với hoạt động xóa quảng cáo không đúng nơi quy định, gắn pano tuyên truyền nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; xã Quế Long tổ chức trồng 300 cây xanh tuyến đường nghĩa trang xã; Quế Phú xây dựng “bể thu gom rác thải”, bố trí thùng rác tại các cánh đồng để thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật của nông dân sau khi sử dụng. Hay như công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” tại thôn Tân Phong (xã Quế Phong) không chỉ tạo thuận tiện cho việc đi lại, đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư.
Đồng hành lập nghiệp
Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nhằm giúp đỡ thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, thời gian qua Huyện đoàn Quế Sơn thường xuyên cử cán bộ khảo sát thực tế, tham quan các mô hình khởi nghiệp nổi trội tại địa phương. Từ đó, những mô hình phù hợp sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh.
Trường hợp anh Nguyễn Ngọc Hiệp (Hương An) là tấm gương điển hình thanh niên lập nghiệp với cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ. Từ nguồn kinh phí khuyến công, anh đã đầu tư máy móc tạo ra sản phẩm tinh xảo, rút ngắn thời gian, tăng năng suất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ ổn định sản xuất, cơ sở của anh Hiệp còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương với mức thu nhập cao.
Hay như mô hình sản xuất gạch không nung của anh Vũ Tiến Cường (xã Quế Long). Trước nhu cầu tiêu thụ rất lớn, trong khi cơ sở không sản xuất kịp để cung ứng nhưng thiếu vốn mở rộng nhà máy, Huyện Đoàn đã hướng dẫn anh Cường hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ vốn từ Tổ khởi nghiệp tỉnh mở rộng sản xuất. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Huyện đoàn, nhiều thanh niên nỗ lực vươn lên thoát nghèo, mạnh dạn sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, trở thành những tấm gương đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Theo anh Nguyễn Mạnh Tuấn, từ thành công của những mô hình, trong thời gian đến Huyện đoàn Quế Sơn tiếp tục triển khai chương trình “Cà phê kết nối khởi nghiệp” định kỳ. Tại đây sẽ mời các chủ doanh nghiệp, thanh niên làm kinh tế tại địa phương chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời tạo cơ hội cho thanh niên trao đổi trực tiếp với chính quyền địa phương, các ban ngành các vấn đề vướng mắc cần hỗ trợ giải quyết kịp thời trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Để khởi nghiệp thành công, ngoài ý chí, quyết tâm của bản thân, thanh niên cũng cần có ý tưởng, kiến thức về quản lý, kinh doanh, kết nối vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Tôi hy vọng chương trình này khi triển khai sẽ sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên, từ đó giải quyết và hỗ trợ để thanh niên tổ chức các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả” - anh Tuấn nói.