Thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn) luôn đồng hành với thanh niên để tạo điều kiện, khích lệ tuổi trẻ địa phương phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.
Anh Nguyễn Văn Bảy chỉ cách nhân giống cây hoa cúc. Ảnh: H.C |
Anh Nguyễn Văn Bảy trú thôn Hà Đông đúc chậu trồng hoa theo mẫu mới, thấy chúng tôi đến, anh dừng tay, cười hiền. Qua trò chuyện, được biết anh thuê khu đất rộng chừng nửa héc ta cách đây hơn 6 năm để trồng cây hoa cảnh. “Mình mới đúc hơn 1.000 chậu và đang tiếp tục đúc khoảng chừng đó nữa để chuẩn bị cho vụ hoa tết. Năm nay, mẫu chữ bên ngoài chậu xi măng khắc “phước - lộc - thọ” sẽ được thực hiện” - anh Bảy nói. Theo nghề của người cha hơn 8 năm nay, anh luôn chịu khó học hỏi và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Bây giờ anh đã có thể tự nhân giống hoa cúc đại đóa, cúc pha lê. Khu đất còn là nơi trồng các loại hoa thược dược, vạn thọ, mắt nai để làm đẹp ngày xuân, cung cấp cho khách hàng Quảng Nam và Đà Nẵng. Trồng hoa mang lại cho gia đình anh doanh thu hàng năm khoảng 200 triệu đồng, giải quyết lao động thời vụ cho 10 người. Anh cho biết thêm, việc giữ gìn và phát triển nghề này của bản thân luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ tổ chức đoàn ở xã nhà. Bên cạnh tạo điều kiện để chủ nhân tiếp cận nguồn vốn vay hợp lý, Đoàn xã Điện Hòa còn đứng ra vận động thành lập Tổ hợp tác trồng hoa Hà Đông, gồm 5 thành viên do anh Nguyễn Văn Bảy làm chủ nhiệm.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đoàn xã Điện Hòa - anh Lê Văn Thái chia sẻ, với thổ nhưỡng phù hợp cho việc nuôi trồng, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tổ chức đoàn đã định hướng cho tuổi trẻ đầu tư phát triển mô hình nuôi thỏ, trồng hoa cây cảnh, làm củi từ vỏ trấu…. Hàng năm, đoàn xã tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, tham quan học tập mô hình tại các địa phương lân cận cho thanh niên, tạo điều kiện vay vốn phát triển mô hình, trang bị cơ sở vật chất. Ngoài anh Nguyễn Văn Bảy, vườn hoa cúc chậu của anh Nguyễn Văn Đô (thành viên Tổ hợp tác trồng hoa Hà Đông) cũng cho thu nhập 180 - 200 triệu đồng/năm. Được sự quan tâm, giúp đỡ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Nguyễn Hữu Bình (chủ nhiệm Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ Thành Đạt) mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi thỏ, hàng tháng, anh lãi 18 triệu đồng và tạo việc làm cho 2 thanh niên địa phương. Cơ sở sản xuất củi trấu Nhật Đức của anh Nguyễn Ngọc Đức (sinh 1982) tại thôn Đông Hồ giải quyết 3 lao động, doanh thu 600 triệu đồng/năm.
Theo anh Đặng Hữu Tú - Phó Bí thư Thường trực Thị đoàn Điện Bàn, Đoàn xã Điện Hòa là điểm sáng về khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế. Nhờ đó, tuổi trẻ đã thực sự phát huy được vai trò xung kích tự chủ, nhiều sản phẩm nông nghiệp, mặt hàng do họ làm ra có giá trị. Thông qua đấy, chất lượng hoạt động của đoàn hội được nâng cao, mở rộng đoàn kết tập hợp thanh niên vào tổ chức. Có thể khẳng định rằng, vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế đã góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương.
HỮU CÔNG