Đồng hành với trẻ khuyết tật

THU SƯƠNG - TRUNG THỰC 13/12/2018 05:53

Sau hơn một năm triển khai trên địa bàn huyện Thăng Bình, Dự án Hệ thống chăm sóc hy vọng cho trẻ khuyết tật của tổ chức Trẻ em Việt Nam đã góp phần sẻ chia những khó khăn đối với các trẻ khuyết tật, giúp các em tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Trao học bổng đầu năm học cho trẻ em khuyết tật.
Trao học bổng đầu năm học cho trẻ em khuyết tật.

Những việc làm thiết thực

Em Hồ Thị Bảo Châu, tổ 6, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) đã 4 năm nay phải nằm một chỗ vì bị liệt bẩm sinh. Được sự quan tâm của tổ chức Trẻ em Việt Nam, Châu được hỗ trợ mỗi tháng hơn 900 nghìn đồng và một khung tập giúp em thực hiện các động tác cơ bản vận động cơ thể. Anh Hồ Hoàng Dũng - bố của Châu cho hay, vì con gái nằm một chỗ nên vợ chồng anh phải có một người túc trực ở nhà để chăm sóc. Từ Dự án Hệ thống chăm sóc hy vọng cho trẻ khuyết tật, ngoài việc được hỗ trợ kinh phí và được khám bệnh định kỳ cho Châu, gia đình anh còn được hỗ trợ sinh kế. Với số vốn 5 triệu đồng dự án hỗ trợ, vợ chồng anh mở quầy tạp hóa, kinh doanh các loại nước giải khát, vừa buôn bán vừa chăm sóc cho con. Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây gia đình cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con nhưng khả năng kinh tế không cho phép nên đành chịu. Rất may là được sự quan tâm của tổ chức Trẻ em Việt Nam, gia đình tôi mới có thêm điều kiện để chăm sóc cho con”.

Hàng chục gia đình có trẻ khuyết tật khác trên địa bàn thị trấn Hà Lam và xã Bình Nguyên cũng được hỗ trợ sinh kế. Mặc dù số vốn trợ giúp không nhiều nhưng nhờ biết tận dụng, họ phát triển chăn nuôi, buôn bán hay mở dịch vụ xay xát mà kinh tế dần ổn định, có thời gian và điều kiện để cho chăm sóc cho trẻ. Với mong muốn tạo môi trường sống tốt nhất cho trẻ khuyết tật, dự án cũng đã hỗ trợ các gia đình tu sửa nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh, lắp đặt hệ thống nước sạch… Dự án khảo sát lựa chọn hỗ trợ đúng người, đúng nhu cầu, nhờ thế đem lại hiệu quả thiết thực.

Giúp trẻ hòa nhập cộng đồng

Từ tháng 7.2018, Dự án Hệ thống chăm sóc hy vọng còn mở lớp học kỹ năng cho trẻ khuyết tật. Bà Lê Thị Thanh Mai - Chủ tịch Hội Từ thiện huyện Thăng Bình chia sẻ, lâu nay các cháu sống và làm theo bản năng, chưa có kỹ năng sinh hoạt tập thể, chưa phân biệt được màu sắc, chưa biết đọc chữ cái, chữ số. Có cháu còn không chịu chú ý lắng nghe, thích ra ngoài, chọc phá bạn, hay nổi nóng. Nhưng sau hơn 3 tháng kiên trì dạy dỗ, các cháu đã làm việc có kỹ năng hơn. Như cháu Thanh Tú giờ đây đã biết kìm chế cảm xúc, không còn la hét, đánh bạn; cháu Trung Huy đã biết xung phong tham gia các hoạt động tập thể; cháu Công Thái đã biết viết vở tập, tô rất đẹp; cháu Đức Thịnh đã không còn gọi mẹ, đòi về giữa buổi học,… “Những tiến bộ đó của các cháu đã đem lại niềm vui cho phụ huynh. Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Trẻ em Việt Nam, một số cháu còn khắc phục được bệnh tật của mình, gia đình có điều kiện tăng cường thuốc men cũng như chế độ ăn uống góp phần nâng cao thể trạng. Các cháu đang đi học cũng có học bổng hỗ trợ hòa nhập cộng đồng hàng tháng, học bổng đầu năm học mới…” - bà Lê Thị Thanh Mai cho hay.

Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, toàn huyện hiện có hơn 7.500 người khuyết tật, trong đó trẻ 0 - 16 tuổi có hơn 650 trường hợp. Phần lớn các em có gia đình hết sức khó khăn nên mỗi sự hỗ trợ đều rất đáng quý. “Một năm qua, 47 trẻ khuyết tật trên địa bàn thị trấn Hà Lam và xã Bình Nguyên đã nhận được những sự hỗ trợ thiết thực và ý nghĩa từ Dự án Hệ thống chăm sóc hy vọng cho trẻ khuyết tật. Không phải chỉ ở hình thức mà bằng việc làm cụ thể với hiệu quả rất đáng mừng. Đã có những chuyển biến trong cuộc sống của trẻ khuyết tật, điều kiện kinh tế gia đình của các em cũng được cải thiện” - ông Trần Văn Thức nói.

THU SƯƠNG - TRUNG THỰC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng hành với trẻ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO