Khu di tích lịch sử An ninh vũ trang tỉnh trong ngày khánh thành, xen giữa tấm lòng tri ân những người đi trước là câu chuyện cảm động về tình nghĩa của dân làng Sơn và Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) với các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam.
Khu di tích An ninh vũ trang tỉnh vừa được khánh thành tại xã Sông Kôn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tròn 54 năm, rêu phong đã phủ xanh nơi từng ghi dấu những ngày đầu thành lập Tổ cảnh vệ trên đồi núi Choóih - sau này đổi tên thành lực lượng An ninh vũ trang và nay là BĐBP tỉnh. Quá khứ trôi xa, nhưng tinh thần về một thời vẫn rực lửa trong câu chuyện của những người lính biên phòng năm xưa. Tháng 5, vùng cao lộng gió. Bút Tưa đón những bước chân người lính trở về với ký ức hào hùng, với đồng bào Cơ Tu bản địa chân chất, thật thà. Đại tá Dương Hoài Nam - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh nói rằng, những ngày đầu giải phóng các chiến sĩ BĐBP phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vượt suối băng rừng để bám đất, bám dân, giữ vững chủ quyền, đảm bảo an ninh trên tuyến biên giới. Đó là chưa kể gần 600 chiến sĩ An ninh vũ trang Quảng - Đà sẵn sàng tham gia chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
“Công trình Khu di tích lịch sử An ninh vũ trang Quảng Nam có ý nghĩa quan trọng, mang giá trị về văn hóa truyền thống; ghi lại chặng đường đấu tranh hào hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh vũ trang tỉnh trong thời kỳ kháng chiến. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, xứng đáng với truyền thống mà các thế hệ cha anh đã dày công xây dựng”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng) |
Không thể nói hết những tình cảm, sự cưu mang, che chở của đồng bào miền núi đã dành cho người lính biên phòng trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, công tác và trưởng thành. Đọng lại nghĩa tình luôn là những câu chuyện đẹp giữa quân và dân, giữa đồng bào hai miền xuôi - ngược, trong đó có đồng bào thôn Sơn và Bút Tưa (xã Sông Kôn). Ông Alăng Bê - Bí thư Chi bộ thôn Bút Tưa chia sẻ, chủ trương xây dựng Khu di tích lịch sử An ninh vũ trang tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng của đồng bào bản địa ngay từ lúc triển khai. Nhiều hộ dân sẵn sàng nhường đất để công trình nhanh chóng được thực hiện, đảm bảo tiến độ. Như bà Alăng Thị Đhơớp, dù hoàn cảnh neo đơn nhưng vẫn sẵn lòng hiến đất để “khu di tích được hoàn thành, con cháu biết hơn về quá khứ đấu tranh của cha anh ngày trước” - như lời tâm sự của bà.
Trưa. Lưu luyến trong phút giây tiễn biệt, lời bài hát bằng tiếng Cơ Tu “Tr’lăh têy” (chia tay) do Trưởng thôn Sơn - ông Alăng Kích thể hiện như đọng lại bao nghĩa tình. Niềm vui và mong ước kỷ niệm sẽ còn vẹn nguyên trong ngày gặp lại: “Zùm cêy pazêng ađhi anoo, ca’đhângtêy ahee, patoo loom boop/ Nâu bơ ahee bơơn t’lêy, y’chroo ahee chô tapun tr’hay/...” (Cùng nhau anh em ta nắm tay, ngày vui kết đoàn, gửi niềm thương mến/ Đến đây chúng ta được gặp nhau, ngày mai trở về, nhớ hoài về sau...).
ALĂNG NGƯỚC