Đọng lại những khung hình

QUÁN THƯ 12/04/2017 10:15

Một Quảng Nam của rất nhiều cuộc đổi thay, được ghi nhận từ những địa hạt của nghệ thuật. Trong đó, bộ môn nhiếp ảnh đã kịp ghi lại và giữ những khoảnh khắc quý giá, đôi phần làm sáng lên tên gọi vùng đất, từ chính những thành công mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh đạt được.

Tác phẩm “Vụ mùa” của NSNA Đặng Kế Đức đoạt huy chương vàng ICS tại SERBIA.
Tác phẩm “Vụ mùa” của NSNA Đặng Kế Đức đoạt huy chương vàng ICS tại SERBIA.

Nhiếp ảnh xứ Quảng, từ trước mốc thời gian 1997, đã có rất nhiều tên tuổi lớn lưu trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam cũng như thế giới. Một trăm năm có lẻ, trong ngôi nhà số 56 Nguyễn Thái Học (Hội An) những tấm ảnh ghi tên Huỳnh Sau, Tiêu Nhiên, Lệ Ảnh… vẫn còn lưu giữ. Bắt đầu từ tác phẩm “Tát nước gàu ba” của cụ Trương Trừng đoạt giải nhất tại cuộc thi ảnh toàn Đông Dương vào năm 1940, tác phẩm “Cấy lúa” của cụ Huỳnh Sỏ cũng đã đoạt giải cuộc thi ảnh tại Paris (Pháp) năm 1953. Tiếp đó, cụ Hứa Văn Bân - người đặt nền móng cho nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Nam - cũng đạt được nhiều tước hiệu của hiệp hội nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới và các nước. Những dấu son của nhiếp ảnh Quảng Nam vẫn được tiếp nối khi nhiều tấm ảnh của các thế hệ tiếp theo là Trương Thiệp, Vĩnh Tân… đều đặn được trưng bày triển lãm ở nhiều nước trên thế giới… Rõ ràng, ở bộ môn nghệ thuật này, Quảng Nam đã có nền móng rất chắc, để từ đây ngoạn mục làm nên những thành công riêng của mình. Rất nhiều thông điệp của vùng đất được nhiếp ảnh chuyển tải, bằng một cách nào đó, khiến người ta nhớ và thôi thúc người nơi khác tìm đến.

Bước tiến dài

Tròn hai mươi năm, những người “bạn vàng” trong giới chơi ảnh, vẫn thường nhắc nhau về những ngày cũ. Đất Quảng may mắn khi buổi đầu thành lập đến nay đã nuôi lớn rất nhiều tên tuổi trong địa hạt này, từ lớp người giữ di sản ảnh trăm năm xứ Quảng đến những thế hệ chứng kiến nhiều cuộc bứt phá ngoạn mục của một vùng đất. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Dương Phú Tâm nói, những ngày đầu tái lập tỉnh, cũng vừa lúc Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam thành lập (thuộc Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh) với… 1 hội viên. Đến nay, Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam đã có 27 hội viên; trong đó có 1 người là hội viên Liên đoàn NSNA thế giới, 8 hội viên Hội NSNA Việt Nam. Ngoài ra còn có cả trăm hội viên nhiếp ảnh thuộc câu lạc bộ ở các địa phương như Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Đại Lộc, Tam Kỳ. Sân chơi này mở ra cho nhiều người, miễn là có đam mê và bền bỉ cùng đam mê.

Tác phẩm “Thân quen” của NSNA Đặng Kế Đông đoạt huy chương bạc Salon tại Nga.
Tác phẩm “Thân quen” của NSNA Đặng Kế Đông đoạt huy chương bạc Salon tại Nga.

Theo NSNA Đặng Kế Đông, vài năm trở lại đây, cùng với sự đầu tư và tâm huyết của mỗi cá nhân, các tác phẩm ảnh chất lượng cao liên tục xuất hiện trong các cuộc thi ảnh từ cấp khu vực, cấp quốc gia và quốc tế. “Nếu trước đây, thành tích nhiếp ảnh Quảng Nam được xếp ở hạng trung bình trong khu vực thì đến nay chúng ta luôn ở trong “tốp 3” của các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của hội viên chi hội cũng đã giành được những giải thưởng danh giá ở các cuộc thi cấp bộ, ngành, toàn quốc và ở nhiều nước trên thế giới” - NSNA Đặng Kế Đông nói.  NSNA Quảng Nam đã có rất nhiều giải thưởng, tước hiệu danh giá. Nhiều người nói, chính vị trí tự nhiên, bề dày văn hóa với 2 di sản văn hóa thế giới đã tạo điều kiện để nhiếp ảnh Quảng Nam phát triển và đơm hoa kết trái. Ngay ở không gian của 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã là mảnh đất màu mỡ cho các NSNA thỏa sức sáng tạo nghệ thuật. Chưa kể, một đời sống bình dân phong phú với các phong tục tập quán, đôi phần vẫn giữ được tinh thần cổ truyền, đã “chắp cánh” để họ thăng hoa cùng những khoảnh khắc quý giá. Những huy chương cấp khu vực, cấp quốc gia trong nhiều năm gần đây đã cho thấy bước đi dài khẳng định vị thế của nhiếp ảnh xứ Quảng trong sân chơi lớn của bộ môn này.

Quảng Nam qua những mắt nhìn

Nếu vùng đất may mắn vì đã nuôi lớn và giữ được những tài năng ở lại hay trở về với quê xứ mình, thì những người xứ Quảng làm công việc lưu giữ khoảnh khắc cũng nói mình đã bội phần hạnh phúc, khi được chọn nơi này để làm quê hương. Một quê xứ dù nhìn từ trên cao hay khởi đi bằng ánh nhìn ngang tầm mắt, vẫn cho ra những tác phẩm đẹp. Mai Thành Chương - một cái tên quen của giới nhiếp ảnh trong nước, khởi đi đam mê của mình từ những cảnh sắc quê nhà, gặt hái được khá nhiều thành công trong các liên hoan, giải thưởng quốc gia, quốc tế. Và anh nói, bao giờ mình cũng tâm huyết để “làm sao qua những bức ảnh, người ta hiểu thêm vốn văn hóa quê mình, yêu nó rồi từ đó cùng hướng về việc gìn giữ những vốn quý đó”. Một tour khám phá di sản qua ảnh được bắt đầu từ thôi thúc này. Và rồi cũng bởi đam mê, sau những tác phẩm xuất sắc mang lại cho Mai Thành Chương nhiều thành công - những tác phẩm phần lớn diễn đạt nhiều khoảnh khắc ngang tầm mắt hay ở ngay bên cạnh mình - anh khám phá ra một Quảng Nam ở cao hơn, Quảng Nam qua những bức ảnh chụp từ flycam. Một Điện Nam - Điện Ngọc với sự bài trí của nhiều nhà máy xí nghiệp, vùng đất của công nghiệp. Hay những con sông ngang qua các làng mạc, từ trên cao nhìn xuống, đã chạm được vào sự mênh mông của thiên nhiên… Và không chỉ có Mai Thành Chương nhìn ra những góc ảnh trên cao này. Từ tay chơi flycam “người của mọi đài” Lâm Tứ Khoa, còn có Trí Lê, Linh Phạm… Họ đã mở ra những góc nhìn mới về Quảng Nam, vẽ phác nên một vùng đất với sự đa dạng về cảnh sắc, tài nguyên, hay cả về sự phát triển.

Bắt khoảnh khắc các tay máy săn ảnh. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG
Bắt khoảnh khắc các tay máy săn ảnh. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG

Nếu những người trẻ, và đôi phần “chịu chơi” với công nghệ, máy móc như Lê Trọng Khang, Mai Thành Chương hay Hà Nguyễn, Hải Hoàng (Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Đông) thì những người “có tuổi” trong làng nhiếp ảnh xứ Quảng lại chịu khó săn lùng những khung cảnh - mà họ biết mai này sẽ mất đi, hay những sinh hoạt ở các vùng quê xa xôi, trong những người già, trong nếp sống của đồng bào vùng cao. NSNA Lê Vấn vẫn chưa bao giờ ngưng nghỉ bước chân mình khi dong ruổi để “bắt” đến tận cùng từng khoảnh khắc tưởng rất đời thường - lại nên chuyện nghệ thuật. Hay Đặng Kế Đông, Dương Phú Tâm… vẫn chưa thôi mê mải đô thị cổ Hội An. Ở Điện Bàn, tay máy Huỳnh Châu vẫn lặng lẽ đi về những vùng quê bãi bồi dọc Thu Bồn. Có thế hệ này, nhiếp ảnh Quảng Nam mới đủ làm nên một bức tranh không chỉ rộng lớn mà còn ẩn nhiều giá trị văn hóa sâu sắc. Cùng với lớp đàn anh, những “tay máy” trẻ - chủ yếu ở lứa tuổi 8X, 9X vẫn đang tiếp tục nỗ lực để khẳng định mình. Nhiều thành công gặt hái trong các cuộc thi gần đây của nhiếp ảnh xứ Quảng, rơi vào những tên tuổi trẻ như Lê Trọng Khang, Nguyễn Hữu Khiêm hay Võ Văn Phi Long, Đào Duy Linh… Từ đây, có quyền kỳ vọng về một hành trình mới của nhiếp ảnh Quảng Nam với những bước đi dài hơi hơn, từ những bệ phóng đã có hơn trăm năm trước, hay gần hơn, từ câu chuyện của tên gọi Quảng Nam.

QUÁN THƯ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đọng lại những khung hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO