Đồng lòng vì quê hương

KHẢI KHIÊM 04/07/2017 09:30

70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và cán bộ đảng viên xã Đại Cường đã đoàn kết một lòng, đạt những thắng lợi quan trọng trong đấu tranh giành độc lập, kiến thiết và xây dựng quê hương.

Trục tuyến ĐH3.ĐL được đầu tư sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho xã Đại Cường. Ảnh: CÔNG TÚ
Trục tuyến ĐH3.ĐL được đầu tư sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho xã Đại Cường. Ảnh: CÔNG TÚ

Truyền thống vẻ vang

Qua 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, xã Đại Cường có 1.015 liệt sĩ, gần 1.000 gia đình có công với cách mạng, 243 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng lực lượng vũ trang. Ngày 30.8.1995, xã Đại Cường vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, quân và dân Đại Cường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; 25 Huân chương Chiến công hạng Ba; 16 Huy chương Chiến công hạng Nhất; 28 Huy chương Chiến công hạng Nhì; 35 Huân chương Độc lập; 91 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 115 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; 225 Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều bằng khen.

Nằm giữa hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn, xã Đại Cường nay là một phần của 2 tổng Quảng Hòa và Phú Mỹ xưa. Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào cách mạng lần lượt lan tỏa đến Đại Cường. Từ đây, cán bộ và quần chúng trung kiên của Đảng được phát triển. Nhiều tổ chức bí mật cũng hình thành như: Tổ nò, Tổ chài ở làng Quảng Đại; Tổ tôm, Tổ cá ở làng Ô Gia và làng Trang Điền nhằm tập trung tuyên truyền tư tưởng yêu nước, vận động thanh niên không theo giặc và thành lập ban khởi nghĩa ở các làng để phổ biến thời cơ cách mạng đã đến, thống nhất ngày giờ cướp chính quyền. Sáng 18.8.1945, nhân dân tổng Quảng Hòa kéo về đình Quảng Đại mít tinh, công bố lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh do ông Trương Đỉnh làm thủ lĩnh. Ngay trong đêm, các tổ chức bí mật họp và phân công cán bộ về làng vận động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Sáng 19.8.1945, hàng nghìn người dân trang bị gậy gộc, giáo mác, cuốc thuổng, dao rựa cùng với trống mõ xuống đường hô vang khẩu hiệu, biểu dương lực lượng và cướp chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trên quê hương Đại Cường, các tổ chức chuyển ra hoạt động công khai. Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, ngày 5.7.1947, tại nhà đồng chí Nguyễn Quý Cách (làng Quảng Đại), Chi bộ đảng lấy tên là Ngô Trung Tiết ra đời và chỉ định đồng chí Nguyễn Quý Cách làm Bí thư, là tiền thân của Đảng bộ xã Đại Cường ngày nay.

Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mảnh đất và con người Đại Cường là nơi mà địch chà đi, xát lại, đàn áp, khủng bố vô cùng khốc liệt. Họ vẫn bền gan chiến đấu, là điểm sáng của Đại Lộc về chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, diệt ác, trừ gian; xây dựng hậu phương vững mạnh và lần lượt đập tan thủ đoạn “chiêu an”, bình định, dồn dân của địch. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết chưa ráo mực, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã thi hành chính sách cực kỳ man rợ đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Đại Cường như “tố cộng”, “diệt cộng”, khảo tra, thủ tiêu, tù đày… Mặc cho gươm kề tận cổ, súng kề tai, nhiều người luôn trung kiên “sống vì Đảng, chết không rời Đảng” để bảo vệ Đảng, nuôi dưỡng phong trào cách mạng. Ý chí thi đua giết giặc lập công được thể hiện qua các phong trào “Hiến kế diệt Mỹ” của nông dân; “Toàn đoàn cầm súng”, “3 sẵn sàng”, “5 xung phong” của thanh niên; “Tuổi nhỏ chí lớn làm việc anh hùng” của thiếu nhi; “Ba đảm đang” của phụ nữ; “Bạch đầu quân” của cụ ông, cụ bà. Lịch sử Đảng bộ xã Đại Cường mãi mãi khắc ghi hàng trăm liệt sĩ, thương binh và tấm gương của các Anh hùng lực lượng vũ trang như Nguyễn Thái Húy, Đỗ Văn Quả, Võ Tiến Trung, Võ Đức Niên cùng hàng nghìn cơ sở cách mạng không sợ hy sinh, gian khổ. Họ anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng để giải phóng hoàn toàn huyện Đại Lộc vào ngày 28.3.1975.

Kiến thiết quê hương

Xã nông thôn mới

Về quê hương Đại Cường hôm nay, chúng ta ngỡ ngàng trước sự đổi thay vượt bậc của một “địa chỉ đỏ” từng bị chiến tranh tàn phá, thường xuyên gặp thiên tai. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, địa phương đã làm hàng trăm ki lô mét đường giao thông trải dài tận thôn, xóm và vươn ra cánh đồng. Việc tỉnh đầu tư mở rộng trục huyết mạch ĐH3.ĐL đi qua địa bàn vùng B, kết nối liên hoàn ĐT609B với quốc lộ 14B đã khai phóng nhiều “điểm nghẽn” về phát triển kinh tế - xã hội, an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn. Hệ thống thủy lợi, “điện, đường, trường, trạm”, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ. Địa phương tích cực chăm lo đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là giải quyết những vấn đề có tính bức xúc khi nhà tạm được xóa, hộ đói không còn. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2016 đạt 27 triệu đồng. Đến nay, Đại Cường đã được công nhận hoàn thành phổ cập THCS; 100% số trường đạt chuẩn quốc gia. Các chương trình y tế được thực hiện khá tốt; đời sống văn hóa ở cơ sở được chú trọng; công tác “đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm chăm lo chu đáo…

Quá trình phấn đấu không ngơi nghỉ đã “hái quả ngọt”, khi năm 2015 xã Đại Cường được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. “Thành quả trên là sự tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương trong chống xâm lược, cũng là minh chứng hùng hồn rằng Đảng bộ xã Đại Cường không chỉ kiên cường trong lãnh đạo toàn dân kháng chiến mà còn có năng lực trong lãnh đạo xây dựng quê hương phát triển đi lên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ các nhiệm kỳ đã đề ra” - bà Võ Thị Thúy Nguyệt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đại Cường nói.

Bước vào thời bình, với bao khó khăn chồng chất, Đảng bộ xã Đại Cường phải tập trung khắc phục hậu quả nặng nề, hàn gắn vết thương chiến tranh. Song, nhờ bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã đề ra những giải pháp thích hợp, tập trung toàn lực đẩy mạnh sản xuất, kịp thời ổn định đời sống nhân dân. Mặt khác, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, mỗi người dân đều nhận thức được khó khăn, gian khổ ban đầu của thời kỳ kiến thiết nên đồng tâm, hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng. Ông Nguyễn Hữu Mai - nguyên Bí thư Đảng bộ xã Đại Cường (giai đoạn 1974 - 1977) cho biết, lúc bấy giờ công tác xây dựng Đảng được tăng cường tối đa. Khi mới giải phóng, tổ chức đảng chỉ có 7 đồng chí, đến tháng 4.1976 số lượng đảng viên tăng lên 32 người và được Huyện ủy quyết định cho thành lập Đảng bộ. “Tháng 5.1976, Đại hội Đảng bộ xã Đại Cường lần thứ I tiến hành. Tôi được bầu lại làm Bí thư, đồng chí Trần Trình - Chủ tịch UBND xã làm Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Công Tận làm Phó Bí thư Thường trực” - ông Nguyễn Hữu Mai kể. Sau đại hội, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân khai hoang vỡ hóa, làm thủy lợi, cứu đói, cứu đau… Vụ xuân hè năm 1976, Đại Cường lập nên kỳ tích khi có hơn 150ha lúa chủ động nước tưới.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã Đại Cường không ngừng được nâng lên. Bà Võ Thị Thúy Nguyệt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đại Cường cho biết, Đảng bộ hiện có 253 đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ trực thuộc. Hằng năm, tỷ lệ chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh chiếm 50%, không có chi bộ xếp loại dưới mức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực hiện công cuộc đổi mới, với vai trò lãnh đạo của Đảng, từ một xã độc canh cây lúa, kinh tế Đại Cường bây giờ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Nông nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; tỷ trọng giá trị chăn nuôi ngày càng tăng trong cơ cấu ngành nông nghiệp… Những hướng đi đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 3,5% vào năm 2016, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân càng được nâng lên.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc - Phan Xuân Quang đánh giá, Đảng bộ xã Đại Cường luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn để đề ra nhiều chủ trương phù hợp, đảm bảo cho sự thành công của phong trào cách mạng ở địa phương. Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhờ đó cán bộ, đảng viên và nhân dân Đại Cường luôn có sự đoàn kết, nhất trí quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phong trào thi đua. Biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, nên mọi chủ trương Đảng bộ xã đưa ra đều được nhân dân ủng hộ và thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, Đảng bộ luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường chính trị vững vàng, có năng lực thực tiễn nên trong thời kỳ nào cũng đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng. Từ môi trường rèn luyện ở Đại Cường, nhiều cán bộ, đảng viên trưởng thành, được tín nhiệm phân công đảm nhiệm phụ trách các vị trí, lĩnh vực quan trọng ở cấp cao hơn.

KHẢI KHIÊM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng lòng vì quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO