Động lực cho công nghiệp chế biến dược liệu

HỮU PHÚC 23/06/2021 20:05

Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách về phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu. Các địa phương trong tỉnh cũng đã thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vào chuỗi liên kết sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo nền móng cho công nghiệp chế biến dược liệu vốn còn non trẻ.

Vùng trồng sâm Ngọc Linh đang thiếu nguồn cây giống trầm trọng. Ảnh: H.P
Vùng trồng sâm Ngọc Linh đang thiếu nguồn cây giống trầm trọng. Ảnh: H.P

Ngày 22.1.2018, UBND tỉnh ra Quyết định 301 phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đầu năm 2019, UBND tỉnh có Quyết định 331, triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Từ các cơ chế này, nhiều địa phương đã triển khai thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu.

Mở đường thu hút đầu tư 

Tại Nam Trà My, sau khi cây sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, địa phương triển khai đồng loạt các nhiệm vụ vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất trồng sâm, vừa nghiên cứu công nghệ, giống, đồng thời vận dụng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Riêng Công ty TNHH Sâm Sâm đang giai đoạn đầu tư nhà máy sơ chế, chiết xuất sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác trên quy mô hơn 2,5ha tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ). Sở NN&PTNT cho biết, mặc dù doanh nghiệp này đang xây dựng cơ sở, nhưng từ cơ chế hỗ trợ nhà máy chế biến dược liệu, tỉnh đã cho công ty ứng trước tiền hỗ trợ 10 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng được miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ theo quy định của Trung ương và Quảng Nam.  

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, từ các cơ chế chính sách ban hành, Nam Trà My đã đầu tư hạ tầng vào vùng sâm như hoàn thành tuyến đường giao thông nối từ quốc lộ 40B đến trung tâm hành chính xã Trà Linh; tuyến đường từ làng Tắc Pong – Cang Kích (thôn 1, xã Trà Linh) đến làng Tắc Ngo dài hơn 8km; hoàn thành phần nền đường dài 11,6km và công trình theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A nối từ trung tâm hành chính xã Trà Linh đến làng Măng Lùng.

Ngoài ra, mở đường nối từ quốc lộ 40B đi vào vùng sâm thuộc thôn 5 xã Trà Nam; tuyến quốc lộ 40B đi Trà Tập qua vùng sản xuất sâm thôn 2, thôn 3 (xã Trà Cang), vùng sản xuất sâm thôn 4 (xã Trà Linh) và nối về trung tâm hành chính xã Trà Linh.

Nhiều doanh nghiệp, HTX được hưởng lợi khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu được hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm theo quy định tại Nghị quyết số 45 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh. Còn Nghị quyết số 17, ngày 17.12.2019 của HĐND tỉnh dành nguồn kinh phí 30 tỷ đồng/năm để hỗ trợ thực hiện các dự án hợp tác, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, dược liệu nói riêng.

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển chương trình OCOP, bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp, HTX tham gia chế biến sản xuất một số sản phẩm từ cây dược liệu đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao như cao đảng sâm, đảng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đảng sâm, trà giảo cổ lam, trà túi lọc cà gai leo, chè dây…

Cần cơ chế hấp dẫn hơn

Bắc Trà My và Nam Trà My là hai địa phương phát triển vùng dược liệu quế Trà My lớn nhất tỉnh. Ngày 7.12.2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40 về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My giai đoạn 2018 – 2025. Tuy nhiên, đến nay chỉ hình thành các cơ sở thu mua, chế biến thô sản phẩm từ cây quế; chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ quế.

Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, năm 2019 là thời điểm rất nhiều doanh nghiệp đổ xô đến địa phương tìm hiểu về chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến sản phẩm quế Trà My, nhưng cũng từ đó họ chưa quay lại để đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu quế.

Vỏ quế dược liệu chủ yếu thu mua phục vụ sản xuất thô, chứ chưa có nhà máy chế biến quy mô công nghiệp.
Vỏ quế dược liệu chủ yếu thu mua phục vụ sản xuất thô, chứ chưa có nhà máy chế biến quy mô công nghiệp.

Trong khi đó, tại Tây Giang, địa phương tiên phong mở rộng vùng nguyên liệu dược liệu ba kích, đảng sâm, sả chanh, táo mèo, đinh lăng…, nhưng theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, địa phương chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào liên kết đầu tư để phát triển cây dược liệu cũng như thu mua, chế biến và tiêu thụ cây dược liệu. Chủ yếu là các HTX mới thành lập như HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang, HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh, HTX Nông nghiệp Ch’ơm, HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình, HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh, cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2950 ngày 17.8.2016 của UBND tỉnh đã kết thúc thời gian thực hiện nên cần thiết phải đánh giá lại thực tiễn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án chế biến cây dược liệu.

“Về giải pháp, Nhà nước cần quy hoạch vùng sản xuất, bản đồ dược tính, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý, đi đôi với đầu tư mở các tuyến đường đi vào vùng nguyên liệu dược liệu để có cơ sở mời gọi các doanh nghiệp hợp tác, liên kết vào đầu tư. Cạnh đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên kết, hợp tác sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm liệu” - ông Linh nói.

Còn theo UBND huyện Nam Trà My, đến nay chưa có quy hoạch chi tiết vùng trồng, phân định khu vực của người dân và doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Từ đó, khi có doanh nghiệp xúc tiến đầu tư thì địa phương lúng túng trong quá trình xác định vùng quy hoạch trồng sâm. Giá cây giống sâm Ngọc Linh tăng liên tục, trong khi nguồn cung không đảm bảo, vì vậy trong quá trình triển khai Nghị quyết số 41 ngày 7.12.2017 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2018 - 2025 áp dụng hỗ trợ 80% đối với giá cây do Sở Tài chính ban hành rất khó thực hiện.

Đầu tư 370 tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng sâm 

Về cơ chế hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, đến nay nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 22 tỷ đồng cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng các trại nhân giống và mua giống sâm Ngọc Linh phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra ngân sách địa phương cũng hỗ trợ 15 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Tổng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâm theo phê duyệt tính đến năm 2020 là 370 tỷ đồng. Tại Nam Trà My, thời điểm này có 13 doanh nghiệp và 2 viện công nghệ sinh học đăng ký trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu và nghiên cứu về sâm Ngọc Linh với diện tích gần 200ha.

Theo Sở NN&PTNT, ngành công nghiệp chế biến dược liệu của tỉnh còn non trẻ, doanh nghiệp hưởng lợi còn ít ỏi nên cần đơn giản hóa các thủ tục hồ sơ để cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 57 năm 2018 của Chính phủ. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực cho công nghiệp chế biến dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO