Động lực cho kinh tế biển

HOÀNG LIÊN 09/10/2017 14:24

Ứng dụng KH-CN tạo động lực phát triển kinh tế biển là nội dung được quan tâm bàn thảo tại Hội nghị Tỉnh ủy lần 9, khóa XXI.

 Ấp nở thành công, thả rùa con về với biển tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Ấp nở thành công, thả rùa con về với biển tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Phát triển chưa xứng tầm

Quảng Nam có 125km bờ biển trải dài, có ngư trường rộng lớn hơn 40.000km2, nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm. Tỉnh có 2 sông lớn là Thu Bồn và Trường Giang, 3 cửa sông chính là Cửa Đại, An Hòa và Cửa Lở, có các thủy vực nước lợ, nước ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển. Qua thực tiễn, kinh tế biển có những chuyển dịch tích cực: vùng phía Bắc (gồm Hội An, Điện Bàn) có lợi thế mạnh về du lịch biển; vùng phía Nam (Tam Kỳ, Khu kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành) ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp ô tô và phụ trợ và khai thác thủy hải sản... Đời sống nhân dân vùng ven biển đảo ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Chỉ tính tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển năm 2016 là 4,61% (toàn tỉnh 11,13%)...

Tuy nhiên, qua đánh giá tại hội nghị Tỉnh ủy lần 9, khóa XXI, theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW đặt ra là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, thì nền kinh tế biển của tỉnh vẫn chưa trở thành ngành kinh tế chủ lực, trọng điểm của tỉnh. Vị trí và tầm quan trọng của biển và đặc thù của kinh tế biển đảo chưa được quan tâm đúng mức, việc đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực lợi thế từ biển chưa tương xứng. Hàng loạt nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém được chỉ ra. Cụ thể như, chính sách đặc thù để ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện chiến lược biển còn thiếu nên chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế biển. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông tuyến biển còn thiếu, chưa đồng bộ, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản sơ sài. Số lượng tàu thuyền công suất nhỏ còn nhiều, đặc biệt là số tàu cá thuộc diện cấm vẫn phát triển, làm gia tăng áp lực khai thác vùng biển ven bờ và gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Nguồn ngân sách đầu tư phát triển kinh tế biển còn hạn chế, lệ thuộc vào ngân sách trung ương. Công tác liên kết vùng giữa Quảng Nam với Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung còn yếu kém là rào cản không nhỏ.

Một trong những khó khăn của phát triển kinh tế biển là việc ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, chế biến và nuôi trồng; việc sản xuất giống mới, công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Tỉnh còn yếu kém về ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong đóng tàu, trong xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng biển đảo tuy có triển khai nhưng chưa đủ và thiếu đồng bộ là một loạt khó khăn, rào cản lớn cần được tháo gỡ.

Xem KH-CN là động lực

“Về phát triển du lịch biển phải đi đôi với bảo tồn biển. Điều này Hội An làm được. Địa phương đã bảo tồn, phục hồi rạn san hô cứng tại Cù Lao Chàm cũng như triển khai nhiều hoạt động bảo tồn rùa biển, quy hoạch vùng sinh cư cho rùa và đã ấp nở thành công lứa rùa biển đầu tiên. Hay như dự án trồng mới và phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh, rừng ngập mặn ở Núi Thành, bước đầu đã có hiệu quả tích cực. Với Núi Thành, trong chiến lược phát triển kinh tế, cần phải giữ lại thảm cỏ biển vài chục héc ta, rạn san hô ở cồn Dứa, giữ lại cồn bãi, rừng ngập mặn… Đó là những tài sản thiên nhiên vô giá, nếu mất đi thì sẽ chẳng còn gì”.
(Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN)

Theo Sở KH-CN, thời gian qua Quảng Nam đã triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ, dự án KH-CN về biển đảo, phát triển kinh tế biển. Trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, tỉnh đã triển khai đánh giá chi tiết tài nguyên nước và giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước; khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển; nghiên cứu diễn biến xâm nhập mặn đất và nước vùng ven biển; nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bảo vệ bờ biển, cửa sông. Tỉnh cũng chú trọng ứng dụng KH-CN tập trung vào việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi ven bờ phục vụ khai thác thủy sản bền vững. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đã nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niêng, cá ngựa; nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi kết hợp các đối tượng thủy sản trong ao nước lợ vùng triều; nghiên cứu nguồn giống cá vùng cửa sông Thu Bồn và lân cận vùng biển ven bờ. Tỉnh cũng đã thành công trong ứng dụng công nghệ phục hồi rạn san hô cứng; bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm. Nhiều  nghiên cứu đánh giá các giải pháp kè mềm bảo vệ biển Hội An; nghiên cứu điều tra, đánh giá tiềm năng năng lượng gió Cù Lao Chàm… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ, chủ trương của ngành KH-CN tỉnh thời gian tới là đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, điều tra bổ sung, đánh giá hiện trạng tài nguyên môi trường biển. Đặc biệt là đánh giá sức tải môi trường đối với một số hệ sinh thái biển quan trọng tại các điểm du lịch biển. Nghiên cứu, bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm có giá trị khoa học và kinh tế bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng biển đảo của tỉnh bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Trọng tâm là nghiên cứu và xử lý vấn đề sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, tăng cường các biện pháp tái tạo, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ứng dụng các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để tiến đến mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Ông Tích cho rằng, những giải pháp ứng dụng KH-CN phục vụ chiến lược biển, kinh tế biển cần tập trung vào những vấn đề cụ thể, bức thiết hiện nay. Đó là công tác bảo vệ nguồn lợi khoáng sản quý hiếm là cát trắng, titan. Trong phát triển công nghiệp ở hai vùng trọng điểm, tỉnh cần ưu tiên đến công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới, năng lượng mới; chú trọng phát triển công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, vốn là xu hướng của các nước tiên tiến. Cần ứng dụng KH-CN trong khai thác, sơ chế và chế biến, bảo quản sản phẩm thủy hải sản an toàn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực cho kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO