HĐND tỉnh kỳ họp thứ 12 vừa qua đã sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 10 và Nghị quyết 27 liên quan đến chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên. Đây được coi là những điều chỉnh kịp thời, hợp lý nhằm tạo động lực cho thể thao thành tích cao phát triển.
Tăng đối tượng thụ hưởng
Nghị quyết 10 (ngày 16/3/2021) của HĐND tỉnh quy định mức chi chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao đội tuyển năng khiếu tỉnh và đội tuyển cấp huyện đang tập trung đào tạo, tập huấn, thi đấu trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá, Nghị quyết 10 đã động viên, khuyến khích tinh thần tập luyện, huấn luyện, thi đấu của VĐV, HLV, góp phần tạo động lực phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV ở tuyến cơ sở vẫn còn những khó khăn, nhất là chế độ dinh dưỡng trong tập luyện, thi đấu, đã ảnh hưởng đến công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn và đào tạo nhân tài.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 10 là yêu cầu tất yếu để thể thao thành tích cao phát triển, đưa thể thao tỉnh Quảng Nam lên tầm vóc mới.
Theo nội dung được sửa đổi, ngoài quy định mức chi chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao đội tuyển năng khiếu tỉnh, đội tuyển cấp huyện đang tập trung đào tạo, tập huấn, thi đấu trên địa bàn tỉnh, nghị quyết bổ sung thêm tuyến năng khiếu tại cơ sở thuộc chỉ tiêu đào tạo của Trung tâm Đào tạo và thi đấu TD-TT tỉnh và quy định chế độ thực phẩm chức năng trong thời gian tập huấn trước thi đấu và thi đấu cho VĐV đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh và đội tuyển năng khiếu tỉnh.
Theo ngành TD-TT, việc ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 10 là căn cứ để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với VĐV, HLV tuyến năng khiếu tại cơ sở; chế độ thực phẩm chức năng trong thời gian tập huấn trước thi đấu đối với VĐV đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh và đội tuyển năng khiếu tỉnh nhằm đảm bảo nguồn tuyển chọn VĐV vào các đội tuyển thể thao của tỉnh đạt chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng cho công tác phát triển thể thao thành tích cao.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - ông Tào Viết Hải nói thêm, thể thao thành tích cao là hoạt động tập luyện, thi đấu đòi hỏi quá trình lâu dài và nhiều khó khăn. Để đạt được thành tích cao thì công tác phát hiện năng khiếu từ lúc 9 - 10 tuổi và trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện 9 - 10 năm.
Qua thực tiễn công tác phát hiện năng khiếu, tập trung VĐV vào đội tuyển năng khiếu tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuyển chọn được thì gia đình không đồng ý cho tập trung do các em còn quá nhỏ. Công tác quản lý ăn, ở, học tập, sinh hoạt, tập luyện cho các em cũng hết sức chật vật do phải chăm sóc, dạy bảo.
Hướng đến Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2026
Nghị quyết số 27 (ngày 14/10/2022) của HĐND tỉnh quy định một số chính sách về thu hút, đãi ngộ đối với VĐV, HLV thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025. Có thể nói, với chính sách này, nhất là thu hút VĐV và HLV có năng lực trên cả nước, được kỳ vọng sẽ giúp thể thao thành tích cao Quảng Nam có sự bứt phá, nâng lên tầm vóc mới tương xứng với các đơn vị, địa phương trên toàn quốc.
Tuy nhiên, ngay sau khi nghị quyết ban hành, nhiều người nhìn nhận việc xác định giai đoạn 2023 - 2025 là chưa hợp lý. Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng cho biết, khi xây dựng đề án tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định giai đoạn 2022 - 2026 vì năm 2026 tổ chức Đại hội TD-TT toàn quốc nên cần có chính sách để thu hút, động viên VĐV, HLV thi đấu đạt kết quả tốt nhất. Song tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh, khi thông qua nghị quyết lại rút ngắn thời gian xuống còn giai đoạn 2023 - 2025, dẫn đến những khó khăn khi triển khai.
Vì vậy, việc sửa đổi nghị quyết, từ giai đoạn 2023 - 2025 sang giai đoạn 2023 - 2026 là cần thiết, để có cơ sở pháp lý thu hút và đãi ngộ đối với VĐV, HLV. Qua đó, tạo động lực và tinh thần quyết tâm tập luyện, thi đấu giành thành tích cao nhất tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ X năm 2026 và các giải thể thao châu lục và quốc tế.