Cách đây hơn 5 năm, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 10, ngày 3/6/2017, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị lại tiếp tục ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 41).
Rõ ràng các quyết sách nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu “dân giàu – nước mạnh”, trong đó có trọng tâm phát triển doanh nghiệp doanh nhân, là chủ trương nhất quán, mang tầm nhìn chiến lược để xây dựng đất nước hùng cường.
Với Nghị quyết 41, một khát vọng thật sự lớn lao đã được đặt ra là tới 2030 Việt Nam phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ; nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới. Đến năm 2045, doanh nghiệp Việt phải có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế.
Trong nhiều định hướng, Nghị quyết 41 yêu cầu việc hoạch định chính sách để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao cạnh tranh, năng lực sản xuất trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn.
Từ tầm nhìn như thế, soi rọi lịch sử kinh thương đất Việt và xứ Quảng lại thấy nhiều điều thú vị trong sự tiếp nối tinh thần dân tộc.
Điển hình ở tầm quốc gia là hình ảnh doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932) - “vua tàu thủy”, một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20. Không chỉ có khát vọng làm giàu, doanh nhân Bạch Thái Bưởi còn thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc khi mua lại các con tàu của đối thủ nước ngoài, rồi đặt những cái tên đầy ý nghĩa như Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi… Và tại một Hội nghị kinh tế lý tài do Pháp tổ chức, Bạch Thái Bưởi đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi dân chúng Việt Nam.
Còn ở xứ Quảng, từng vang danh cụ Tiểu La - Nguyễn Thành (1863 - 1911), một chí sĩ giàu lòng yêu nước thương nòi, đã tham gia lập Duy Tân hội. Ngoài việc từng tham gia đánh giặc, cụ Tiểu La còn góp sức khởi xướng doanh thương để cung cấp kinh tài cho hoạt động vì đại nghĩa.
Tiểu La đã cùng các đồng chí vận động tổ chức hội nông, hội công, hội thương... để chu cấp tài chính cho Phong trào Đông du. Riêng hội thương đã có tới 72 chi nhánh khắp các tỉnh thành, và ông cũng thành lập Quảng Nam hợp xã ở Đà Nẵng, tự góp cả cổ phần kinh doanh để lấy tiền gởi cho cụ Phan Bội Châu lo liệu việc lớn.
Giờ đây, Nghị quyết 41 thể hiện kỳ vọng phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Hẳn nhiên từ chủ trương đến các giải pháp thực tiễn sẽ còn một khoảng cách, nhưng bước tiến của tầm nhìn, tư duy kinh tế đã làm dậy lên sự khao khát “nuôi lớn” doanh nghiệp. Không chỉ là những nỗ lực riêng rẽ mà cần cả cộng đồng vào cuộc.
Trước hết là kết nối sức mạnh quốc gia từ hệ thống chính trị, nhà nước với giới doanh thương. Các tổ chức nghiệp đoàn, hội thương của doanh nghiệp, trong đó có Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sẽ làm “cầu nối vững chắc giữa Đảng với doanh nhân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.