Động lực cho trồng rừng gỗ lớn

TRẦN HỮU 29/01/2019 07:25

Việc chính quyền tỉnh ưu tiên dành nguồn ngân sách hỗ trợ cho người dân lẫn doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn sẽ là cơ hội tạo đột phá mạnh mẽ cho phát triển kinh tế lâm nghiệp ở khu vực miền núi.

Chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của tỉnh quy định sau 10 năm trồng mới được khai thác. Ảnh: T.H
Chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của tỉnh quy định sau 10 năm trồng mới được khai thác. Ảnh: T.H

Bỏ thói quen bán “rừng non”

Ông Nguyễn Vinh (trú thôn Phú Mỹ, xã Thăng Phước, Hiệp Đức) có hơn 5ha đất rừng ở hố Bứa – thông Phú Mỹ), cho biết: “Nếu được Nhà nước hỗ trợ trồng rừng mỗi héc ta là 8 triệu đồng, thì gia đình sẽ không lo kéo dài chu kỳ khai thác. Việc người dân bán “rừng non” lâu nay không phải sợ hư hại do gió bão, mất giá mà nguyên nhân chính nằm ở chỗ đời sống kinh tế còn khá chật vật”. Theo ông Vinh, vì chi phí trồng, chăm sóc tốn kém, phần lớn người dân vay vốn ngân hàng với thời hạn 3 - 5 năm, nên thông thường cây keo sau 5 năm trồng được khai thác để thu hồi vốn, hoàn trả gốc lãi ngân hàng và tái đầu tư. Số tiền mà Nhà nước hỗ trợ tuy không lớn nhưng cần thiết để người dân mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn.

Không chỉ người dân mà cả doanh nghiệp cũng đều hưởng lợi từ chủ trương khuyến khích trồng rừng gỗ lớn của tỉnh. Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (doanh nghiệp trồng rừng và có nhà máy chế biến gỗ ván ép), cho biết theo quy định doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi của chính sách, vì có diện tích tối thiểu trồng 100ha rừng. Khi người dân có đất (được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) ký cam kết với công ty trồng rừng thì đương nhiên gỗ khai thác sẽ mua đúng giá trên thị trường, không bị các đầu nậu ép giá. Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam khẳng định, chính sách hỗ trợ sẽ là động lực lớn để doanh nghiệp tính toán lộ trình mở rộng đầu tư, chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến sâu như sản phẩm ván ép, ván ghép thanh…

Một đơn vị khác là HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (đóng tại xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) thời gian qua đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hơn 120 hộ dân trong và ngoài địa bàn với tổng diện tích 750ha rừng đạt chứng chỉ quốc tế (FSC). Theo hợp tác xã này, chính sách của tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn đã thực sự “cởi trói” cho nền kinh tế lâm nghiệp vốn phát triển chậm chạp suốt thời gian dài. Bởi toàn bộ các khâu chuẩn bị đất, giống cây trồng, chu kỳ khai thác, đầu ra cho sản phẩm gỗ… đều được kiểm soát chặt chẽ. Điều quan trọng, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều trên một đơn vị diện tích canh tác, tạo đột phá trong tích tụ ruộng đất lâm nghiệp.

Đột phá cho kinh tế rừng

Cuối tháng 1.2019, Quảng Nam phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020. Trong giai đoạn này, 12 địa phương (gồm Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh và Thăng Bình) sẽ được hưởng lợi từ chính sách. Theo quyết định phê duyệt kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, 2 năm (2019 - 2020), 12 địa phương nêu trên sẽ được hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 10.000ha và 9.320ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC. Tổng chi phí hỗ trợ theo kế hoạch được duyệt gần 600 tỷ đồng.

Đối tượng được hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn là tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã lâm nghiệp…), hộ gia đình, cá nhân có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao, hoặc được thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp và phải cam kết trồng đúng mật độ quy định, đảm bảo tỷ lệ cây sống từ 85% trở lên. Đối với trung tâm sản xuất giống nuôi cấy mô, diện tích đất tập trung xây dựng tối thiểu là 3ha (bao gồm đất để xây dựng nhà, xưởng, đất làm vườn ươm); nuôi cấy mô có quy mô sản xuất tối thiểu 1 triệu cây giống/năm. Vốn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải tham gia ít nhất 30% trong tổng mức đầu tư xây dựng trung tâm giống.

Theo Sở NN&PTNT, quy định bắt buộc là trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn, sau 10 năm tuổi mới được khai thác. Mức hỗ trợ đối với các xã trong khu vực biên giới là 10 triệu đồng/ha, các xã ngoài khu vực biên giới 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 500 nghìn đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng 300 nghìn đồng/ha… Hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/1 cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô xây dựng mới. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch trồng rừng gỗ lớn đầu năm nay được kỳ vọng sẽ đưa tỷ trọng ngành lâm nghiệp của tỉnh trong cơ cấu ngành nông nghiệp từ 8,3% năm 2017 lên 8,5% vào năm 2020.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực cho trồng rừng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO