Động lực của nghề cá

NGUYỄN QUANG VIỆT 12/01/2017 08:55

Hàng loạt tàu vỏ thép vươn khơi; cảng cá Tam Quang (Núi Thành) và âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp… là những động lực quan trọng để phát triển nghề khai thác hải sản Quảng Nam trong thời gian đến.

Ưu thế vượt trội

Năm 2016 để lại những dấu ấn đặc biệt, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nghề khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Lần đầu tiên, Quảng Nam có tàu vỏ thép tham gia đánh bắt hải sản xa bờ. Cụ thể, 15 tàu vỏ thép được đóng mới đã vươn khơi sản xuất trên các vùng biển xa, hiện thực hóa chiến lược kinh tế biển của tỉnh là làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể nói, tàu vỏ thép có nhiều ưu thế so với tàu vỏ gỗ. Trước hết là năng lực sản xuất sẽ cao hơn so với tàu nhỏ. Trên mỗi tàu vỏ thép có công suất hơn 800CV đều có vàn lưới dài, tính năng vượt trội, có thể thu được đến vài chục tấn hải sản chỉ trong một mẻ lưới. Tời kéo lưới được trang bị cũng sẽ giúp ngư dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng thời gian bám biển. “Vàn lưới lớn, dài, có sự trợ lực của tời kéo lưới quy mô giúp ngư dân sản xuất thuận tiện so với tàu nhỏ. Ngư dân thu được vài trăm triệu đồng chỉ sau một chuyến biển đã là thực tế chứ không chỉ là kỳ vọng như trước đây. Rất đáng để hy vọng hiệu quả kinh tế cao mang lại khi ngư dân sản xuất với tàu vỏ thép” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Tàu vỏ thép sẽ giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: N.Q.V
Tàu vỏ thép sẽ giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: N.Q.V

Ngoài vượt trội về năng lực sản xuất thì tàu vỏ thép cũng vững vàng hơn trước biến động thất thường của thời tiết. Nếu tàu vỏ gỗ chỉ chịu được sóng gió cấp 4 thì tàu vật liệu mới có thể đương đầu với sóng gió cấp 6, cấp 7. Tốc độ của loại tàu mới này cũng nhanh hơn nên ngư dân có thể kịp thời di chuyển trong điều kiện thời tiết phức tạp. Đặc biệt, trên mỗi tàu vỏ thép đều trang bị đầy đủ các thiết bị liên lạc hiện đại như máy liên lạc tầm ngắn, tầm trung, tầm xa. Thiết bị liên lạc có tính năng định vị cũng giúp các ngư dân dễ xoay xở trong điều kiện sản xuất bị đe dọa bởi thời tiết. “Máy liên lạc HF trên tàu vỏ thép của tôi kết nối với các kênh radio trên toàn quốc và nhận được các diễn biến xấu của bão hay áp thấp nhiệt đới. Nhờ đó, tôi chủ động hoàn toàn trong mọi chuyến biển vì có cách ứng phó phù hợp khi thời tiết diễn biến bất lợi” - ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu vỏ thép QNa-91039 có công suất 810CV cho biết.

Ổn định đầu ra    

Có thể thấy rằng, suốt một thời gian dài, sản phẩm sau khai thác của ngư dân là chủ các tàu vỏ gỗ được đóng theo phương thức truyền thống bị hao hụt quá nhiều, có khi lên đến hơn 20%. Điều đó đã khiến cho đầu ra hải sản bị ép giá. Khi sở hữu được tàu vỏ thép, mối lo ngại này được giải tỏa. Bởi, các tàu vỏ thép đều được ngư dân trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu PU. Cá, mực hiếm khi bị trầy xước và tươi hơn đã nâng cao giá trị hải sản sau khai thác. “Điều ngư dân lo lắng nhất là sản phẩm không được ổn định đầu ra. Với tàu vỏ thép, khi nâng cao được giá trị hải sản sau khai thác thì ngư dân đã có cơ sở để ổn định giá bán. Điều đó càng thuận lợi hơn nữa khi chỉ trong nay mai, cảng cá Tam Quang được hoàn thành và đi vào sử dụng” - bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, cảng cá Tam Quang đang được khẩn trương giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho thi công trong năm 2017 này. Dự án có quy mô cấp 1, công suất 16 nghìn tấn/năm, diện tích đất là 5,54ha. Đây sẽ là đầu mối tập trung và phân phối hàng hải sản trên địa bàn tỉnh và vùng dải duyên hải miền Trung. Dự án sẽ hình thành khu hậu cần nghề cá có đầy đủ các loại hình dịch vụ như xăng dầu, ngư lưới cụ và các mặt hàng thiết yếu khác cũng như dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Trong khi nghề khai thác hải sản ở các địa phương phía nam của tỉnh được thuận tiện hơn thì điều kiện tương tự cũng sẽ đến với ngư dân thuộc các huyện, thành phía bắc. Dự án âu thuyền Hồng Triều kết hợp với cảng cá cũng đang được triển khai, sẽ giải quyết các vướng mắc về đầu ra hải sản cũng như đảm bảo neo đậu cho tàu công suất lớn. Dự án bao gồm xây dựng bến cầu tàu, đảm bảo cập cảng an toàn, thuận tiện cho tàu cá có công suất dưới 1.000CV. Cảng cá có hệ thống giao thông, sân bãi, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải và các công trình kiến trúc, phụ trợ quy mô lớn của chợ đầu mối hải sản. Các ki ốt bán hàng sẽ mọc lên, kho sơ chế, cấp đông, khu sản xuất nước đá, nhà xe, bồn xăng, hệ thống phòng cháy chữa cháy được đầu tư giúp nghề cá ngày càng hiện đại hơn. Việc tập kết và phân phối hàng hải sản sẽ được thực hiện theo quy trình đảm bảo.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong năm 2017, Quảng Nam sẽ có thêm nhiều tàu vỏ composite công suất lớn, ưu việt đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Với các tính năng hiện đại của tàu vỏ thép và vật liệu mới cộng với tinh thần bền bỉ, cần cù cũng như khát vọng bám biển, ngư dân sẽ gặt hái được nhiều thành công mới. Nhà nước đã tiếp sức ngư dân bằng cách cho vay vốn đóng tàu lớn cũng như xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, là điều kiện cần thiết để ngư dân phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực của nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO