Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết 31 về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030. Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An có cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam về tầm quan trọng của nghị quyết này đối với sự phát triển của thành phố.
Ông có thể đánh giá tầm quan trọng của việc thông qua Nghị quyết 31 về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030?
Ông Trần Ánh: Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy với Hội An bởi không dễ để một đơn vị hành chính cấp huyện có được nghị quyết riêng như vậy. Xin nói thêm đây đã là nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp Hội An xác định xây dựng và phát triển thành phố theo định hướng này.
Do đó nghị quyết lần này là cơ sở chính trị hết sức quan trọng, tạo điều kiện mở rộng phạm vi thực hiện, nâng cao ý nghĩa, nội dung và xác định rõ hơn định hướng xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng sinh thái - văn hóa - du lịch.
Ngày 31/7, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP.Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 sẽ xây dựng và phát triển Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân.
Đây còn là cơ sở pháp lý bởi sau khi nghị quyết được ban hành thì kèm theo đó các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cũng sẽ ban hành các cơ chế, chính sách, đề án… để hỗ trợ Hội An cụ thể hóa, thực hiện tốt hơn các nội dung nghị quyết.
Đơn cử như việc Hội An thuận lợi trong việc khống chế độ cao xây dựng, mật độ xây dựng, giữ không gian xanh, không biến Hội An trở thành đô thị nén…
Ông có thể thông tin rõ hơn về mục tiêu phấn đấu đưa Hội An trở thành đô thị kiểu mẫu “thịnh vượng, hấp dẫn, sống tốt” được xác định trong Nghị quyết 31?
Ông Trần Ánh: Trước hết xin nói về nội hàm “hấp dẫn”. Tự bản thân đô thị Hội An từ lâu đã mang nhiều nét hấp dẫn. Rất nhiều ngôi nhà ở khu phố cổ mang kiến trúc của thế kỷ 17 - 19, còn con người thì lại đang sinh sống ở thế kỷ 21. Do đó, thành phố luôn cố gắng đưa ra các giải pháp để dung hòa vấn đề này để giữ cho được nét hấp dẫn riêng biệt của đô thị cổ.
Xuyên suốt, Hội An luôn xác định phương châm “bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc của văn hóa truyền thống song song với việc đáp ứng tối ưu các nhu cầu sống của cư dân đương đại”.
Trong tiến trình phát triển, các thế hệ cư dân của Hội An liên tục sáng tạo để tạo ra các giá trị mới. Từ nghề buôn bán làm nền tảng, hình thành hoạt động kinh tế thương nghiệp đối ngoại, nghề khai thác yến sào đến nghề may đo tốc hành, nghề làm lồng đèn… ở hiện tại cho thấy sự sáng tạo bền bỉ đã góp phần vun đắp sức hấp dẫn của đô thị này.
Chính quyền xác định sẽ tiếp tục vai trò kiến tạo để khuyến khích các chủ thể tạo ra nhiều hơn nét dấp dẫn cho Hội An trong quá trình vận động của cuộc sống.
Nhiều chuyên gia, người nước ngoài định cư tại Hội An đã chia sẻ với tôi là họ cảm nhận được trong nhịp sống thường nhật Hội An đã rất sáng tạo rồi chứ không cần đến một phong trào hay chủ trương khiên cưỡng.
Về yếu tố “thịnh vượng”, thành phố xác định Hội An là di sản chung của mọi người dân và họ có quyền được thụ hưởng, chia sẻ giá trị đó để phát triển kinh tế cho chính mình.
Mục tiêu hướng đến là phát triển kinh tế di sản mang lại thu nhập ổn định cho mọi tầng lớp cư dân dù cho quy mô thu ngân sách có thể sẽ không bằng một số địa phương. Có thể với định hướng này, ở Hội An không hình thành những người siêu giàu nhưng quan trọng là mọi cư dân Hội An đều sống tốt.
“Sống tốt” hướng đến ở đây là một cuộc sống an toàn và không để người dân phải đi xa tìm công việc. Hội An cũng sẽ tạo điều kiện tối đa để con người sinh sống ở đây được sáng tạo, giao lưu với các yếu tố văn hóa, văn minh của thế giới ngay tại thành phố này. Tất nhiên là Hội An còn nhiều việc phải làm để cải thiện nội hàm này, nhất là ở các lĩnh vực như giáo dục - y tế…
Nghị quyết xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đổi mới tư duy, cơ cấu ngành du lịch phù hợp với đặc điểm thời kỳ mới. Ông có thể phân tích rõ hơn nội dung này bởi lâu nay du lịch - thương mại - dịch vụ luôn chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Hội An?
Ông Trần Ánh: Thực ra từ thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã bắt buộc Hội An phải thay đổi cách nhìn. Năm 2019, ngành du lịch - thương mại - dịch vụ chiếm 72% cơ cấu kinh tế và có đến hơn 90% cư dân Hội An sống dựa vào du lịch.
Tới đây, Hội An vẫn xác định du lịch - thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn và tăng dần về chất lượng. Trong đó sẽ đa dạng hóa các loại hình du lịch, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó sẽ dành sự quan tâm đúng mức với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp chất lượng cao để thích ứng, cân bằng hơn một khi đối mặt với các rủi ro có thể xảy đến.
Thưa ông, là nghị quyết được Tỉnh ủy gửi gắm nhiều kỳ vọng, Hội An sẽ vạch ra lộ trình và xoay xở nguồn lực ra sao để thực hiện?
Ông Trần Ánh: Hội An là chủ thể thụ hưởng và thực hiện nghị quyết này nên thành phố đang chủ trì dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31. Sắp tới, Thành ủy Hội An sẽ tổ chức học tập trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố để mọi tầng lớp đều quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết này đến sự phát triển của Hội An trong giai đoạn tới.
Về nguồn tài chính thực hiện, từ giai đoạn dự thảo nghị quyết, Tỉnh ủy đã xác định ngân sách tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn nên trong ngắn hạn đến năm 2025 Hội An cũng chưa kỳ vọng vào đầu tư tài chính từ ngân sách tỉnh mà sẽ tự lực cánh sinh, phát huy nội lực để thực hiện theo lộ trình phù hợp.
Sau năm 2025, Hội An mong muốn tỉnh quan tâm bố trí đầu tư cho Hội An các đề án, dự án theo từng lĩnh vực, trong đó một số dự án cần nguồn đầu tư rất lớn, nhất là ở lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu rất cần sự quan tâm hỗ trợ của cấp trung ương. Ngoài ra, với đặc thù của Hội An, địa phương sẽ tranh thủ huy động nguồn lực tài chính lẫn kỹ thuật từ việc hợp tác quốc tế từ một số đối tác truyền thống, triển vọng.
Những đề xuất, kiến nghị trọng tâm của Hội An để tăng thuận lợi trong quá trình triển khai nghị quyết này, thưa ông?
Ông Trần Ánh: Trong quá trình triển khai nghị quyết này, Hội An rất cần sự hỗ trợ của các cấp, trong đó đề nghị tỉnh tiếp tục đề nghị với trung ương có các cơ chế ưu tiên cho Hội An, trước hết là vấn đề thụ hưởng nguồn thu từ vé tham quan; mong muốn Chính phủ quan tâm một số dự án trọng điểm của Hội An như phòng cháy chữa cháy khu phố cổ, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển…; cho phép thành lập quỹ quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam.
Hội An kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hội An thực hiện thành công nghị quyết này. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy nói chung và lãnh đạo tỉnh nói riêng.
Người Hội An luôn luôn xác định trọng trách phát huy tối đa tài nguyên nội lực để xây dựng và phát triển quê hương theo định hướng nghị quyết, góp phần ngày càng xứng đáng là một trung tâm văn hóa, du lịch và đối ngoại của tỉnh cũng như của khu vực.
Xin cảm ơn ông!