Động lực mới từ cây cao su

ĐẶNG HÙNG 06/07/2013 09:53

Từ những ngày đầu trồng thí điểm vài chục héc ta ở huyện Hiệp Đức, sau hơn 10 năm, cây cao su mở rộng lên đến hơn 10.000ha và trở thành  cây “chiến lược” tiếp tục vươn lên cắm rễ ở nhiều địa phương thuộc các huyện miền núi cao Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn....

Bám rễ sâu...

Các xã nghèo của Hiệp Đức như Sông Trà, Trà Nú, Phước Gia, Phước Trà... giờ đây bạt ngàn cây cao su sau 10 năm bén rễ. Đề cập về hiệu quả cây cao su đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Đào Bội Thuyên nhận xét: “Trước đây người dân sống chủ yếu dựa vào cây mía, cây sắn... rồi đến cây keo lá tràm. Nhưng từ khi cây cao su được đưa vào trồng không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho khoảng 1.300 lao động và hộ nhận khoán mà còn kích thích người dân địa phương đầu tư phát triển cây cao su tiểu điền”. Theo ước tính, một héc ta trồng keo sau 6 - 7 năm sẽ mang lại khoảng hơn 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm bình quân thu được 5 triệu đồng. Trong khi đó, với diện tích ấy nếu trồng cây cao su, sau 7 năm đưa vào khai thác mủ, lợi nhuận hằng năm tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng cây keo. Điều đáng mừng là từ khi đưa cây cao su vào trồng và đem lại thu nhập cao, đời sống người dân ở huyện Hiệp Đức đã được cải thiện rõ rệt, tình trạng thiếu đói đã được khắc phục.

Người dân huyện Nam Giang được hưởng lợi từ việc phát triển cao su. Ảnh: N.DƯƠNG
Người dân huyện Nam Giang được hưởng lợi từ việc phát triển cao su. Ảnh: N.DƯƠNG

Cây cao su hoàn toàn thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên và ngày càng được mở rộng lên các vùng rừng núi phía tây của tỉnh. Hiện nay có 3 doanh nghiệp gồm Công ty Cao su Quảng Nam, Công ty Cao su Nam Giang và Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt - Hàn đầu tư trồng cao su ở các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang. Tính đến đầu năm 2013, toàn tỉnh có diện tích cao su lên đến 10.987ha, trong đó Công ty Cao su Quảng Nam, Công ty Cao su Nam Giang đã trồng đến 7.200ha, giải quyết việc làm cho 4.500 lao động ở địa phương với mức lương bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Hùng - Giám đốc Nông trường Cao su Nông Sơn cho biết: “Tính đến nay nông trường đã mở rộng diện tích trồng cao su lên đến 800ha với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong những năm đến sẽ tiến hành khảo sát mở rộng, quy hoạch giai đoạn 2 với tổng diện tích hơn 2.000ha ở 2 xã miền núi Quế Lâm, Phước Ninh (Nông Sơn)”.

Chiến lược mới

Có thể khẳng định, chủ trương phát triển cây cao su trên địa bàn Quảng Nam đã thu được những kết quả khả quan. Lợi ích về kinh tế và xã hội cho thấy vị trí, vai trò của cây cao su trong chiến lược xóa đói giảm nghèo các vùng trung du và miền núi. Ông Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam khẳng định: “Cây cao su là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế hơn nhiều loại cây trồng khác. Việc triển khai trồng cao su ở miền núi, trung du Quảng Nam với kết quả bước đầu mang lại đã tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu cây trồng và được xem cây chiến lược xóa đói giảm nghèo ở vùng cao”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, việc ký kết thỏa thuận và quy chế phối hợp giữa Quảng Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ là điều kiện thuận lợi cùng nhau đưa ra những chiến lược lâu dài để phát triển ngành công nghiệp cao su gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong những năm đến, các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành của tỉnh cần phối hợp với sự hỗ trợ các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam củng cố và phát triển tổ chức bộ máy, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường đảm bảo về công tác an ninh, quốc phòng nhằm mở rộng diện tích cao su trên địa bàn của tỉnh.

Trong những năm qua, ngoài đầu tư mở rộng diện tích cây cao su, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã đầu tư 240 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, trong đó riêng đầu tư cho giao thông đã đạt trên 75 tỷ đồng, cho công trình thủy lợi trên 17 tỷ đồng. Ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nói: “Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su là bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở miền núi. Đây là cơ hội cho địa phương bố trí lại cơ cấu lao động, tạo lập được các vùng sản xuất hàng hóa và thay đổi cơ bản tập quán canh tác, trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc nằm trong vùng quy hoạch, từng bước xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Hiện Quảng Nam nằm trong vùng quy hoạch chiến lược phát triển cây cao su của cả nước, mới đây UBND tỉnh và Tập đoàn Cao su Việt Nam ký kết quy chế phối hợp và thỏa thuận hợp tác về đầu tư phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong những năm đến, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ tổ chức khảo sát để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, đặc biệt trong việc mở rộng diện tích cây cao su trên quỹ đất rừng nghèo của địa phương, thông qua nhiều hình thức như nhận quỹ đất từ tỉnh giao, tiếp nhận các lâm trường để tổ chức lại sản xuất. Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cam kết sẽ kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh…

ĐẶNG HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực mới từ cây cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO