Động lực phát triển ngành nghề nông thôn

MAI NHI 17/11/2022 04:57

Hôm qua 15/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành liên quan để thông qua nội dung dự kiến trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 12 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn giai đoạn 2023 – 2025.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nhiều nguyên nhân khác, thời gian qua các ngành nghề, làng nghề nông thôn của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ảnh: M.N
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nhiều nguyên nhân khác, thời gian qua các ngành nghề, làng nghề nông thôn của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ảnh: M.N
Nhiều tồn tại

Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đến năm 2021 toàn tỉnh có 9.985 cơ sở tham gia sản xuất ngành nghề nông thôn, gồm 488 doanh nghiệp, 96 HTX, 61 tổ hợp tác và hơn 9.340 hộ cá thể.

Tổng số lao động tham gia sản xuất - kinh doanh ngành nghề nông thôn là 26.565 người, trong đó lao động thường xuyên chiếm 88,08% và lao động thời vụ chiếm 11,92%. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,27 triệu đồng/người/tháng.

Dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ này xấp xỉ 75,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh (vốn sự nghiệp) khoảng 36 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 11,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án và huy động các nguồn khác gần 27,5 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 4 nghề truyền thống, 30 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.

Tổng số cơ sở ngành nghề nông thôn tại các làng nghề là 2.095 cơ sở. Có 6 doanh nghiệp, 6 HTX, 32 tổ hợp tác, 2.051 hộ cá thể sản xuất tại các làng nghề và làng nghề truyền thống, chủ yếu tập trung ở nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ.

Do thu nhập thấp, công việc vất vả nên xu hướng dịch chuyển lao động từ làng nghề sang những ngành nghề có thu nhập cao hơn diễn ra mạnh mẽ, nhiều lao động trẻ không muốn kế tục làm nghề do cha ông làng nghề truyền lại. Đây là một trong những thách thức rất lớn trong công tác bảo tồn, phát triển làng nghề.

Hiện nay, nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề từ nguồn trong tỉnh chiếm 63,5%, ngoài tỉnh 32,5%, nhập khẩu 4%. Tuy nhiên các vùng nguyên liệu bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và quá trình đô thị hóa dẫn đến thiếu nguyên liệu tại chỗ, sản xuất phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác...

Đáng chú ý, sản xuất thủ công tại các làng nghề và làng nghề truyền thống chiếm 68,17%, tập trung ở những cơ sở sản xuất hộ gia đình có quy mô nhỏ, lao động lớn tuổi; áp dụng máy móc chiếm tỷ lệ 28,83%.

Động lực phát triển

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay Sở NN&PTNT cơ bản xây dựng hoàn chỉnh dự thảo đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn giai đoạn 2023 – 2025.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mục tiêu là từ nay đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 5 nghề truyền thống, 5 làng nghề, 2 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; có thêm khoảng 10 làng nghề phát triển hoặc có tiềm năng gắn với du lịch; có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn đạt 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động ngành nghề nông thôn đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng...

Khi cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ tạo động lực rất lớn cho các ngành nghề và làng nghề nông thôn của Quảng Nam phát triển mạnh, nhất là ở khu vực miền núi. Ảnh: M.N
Khi cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ tạo động lực rất lớn cho các ngành nghề và làng nghề nông thôn của Quảng Nam phát triển mạnh, nhất là ở khu vực miền núi. Ảnh: M.N

Theo ông Ngô Tấn, nội dung chính của đề án này là hỗ trợ di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động trong khu dân cư, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định di dời, khi thực hiện di dời đến các khu - cụm công nghiệp, cụm làng nghề hoặc đến địa điểm quy hoạch được hỗ trợ các chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển, lắp đặt trang thiết bị, nhà xưởng. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/tổ hợp tác, hộ gia đình và không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX.

Cạnh đó, hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở ngành nghề nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 240 triệu đồng/cơ sở.

Đáng chú ý, hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu, đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ. Mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay trong 2 năm đầu nhưng không quá 400 triệu đồng/cơ sở.

Các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề được hỗ trợ chi phí lớp học. Mức hỗ trợ 100% định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, còn hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế 100% cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực phát triển ngành nghề nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO