Động lực phát triển từ các khu kinh tế ven biển

HÀ SẤU 01/12/2023 12:30

Hầu hết khu kinh tế biển ở khu vực miền Trung đã phát huy vai trò động lực trong thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương nhưng cần thêm chính sách để có bước phát triển đột phá là vấn đề đáng chú ý tại hội thảo khoa học “Đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung” do Viện Khoa học Xã hội Vùng Trung bộ tổ chức ngày 29/11, tại TP.Đà Nẵng.

Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập đầu tiên trên cả nước vào năm 2003 và có đóng góp quan trọng cho kinh tế - xã hội Quảng Nam. Ảnh: H.S
Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập đầu tiên trên cả nước vào năm 2003 và có đóng góp quan trọng cho kinh tế - xã hội Quảng Nam. Ảnh: H.S

Đóng góp lớn

Khu vực ven biển miền Trung hiện có 11 khu kinh tế (KKT). Chu Lai chính là khu kinh tế mở đầu tiên được thành lập trên cả nước vào năm 2003 và đã chứng minh được hiệu quả lớn khi hầu hết chỉ số nằm trong tốp đầu.

Về thu hút lao động làm việc, tính đến giữa năm 2020, các KKT ven biển đã thu hút được gần 260 nghìn lao động làm việc, trong đó KKT mở Chu Lai thu hút khoảng 26.100 lao động.

Về thu nhập của lao động, hầu hết lao động trong các KKT ven biển đều có mức thu nhập cao hơn hẳn so với lao động trong những doanh nghiệp hoạt động bên ngoài, con số này của KKT mở Chu Lai khoảng 8 triệu đồng/tháng. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lấp đầy ở KKT mở Chu Lai hiện đạt khoảng 67%.

Về đóng góp ngân sách, nhờ thu hút các dự án lớn đầu tư, các KKT ven biển nhanh chóng trở thành đầu tàu trong đóng góp vào nguồn thu ngân sách của các tỉnh, thành. Trong nhiều năm liền, KKT mở Chu Lai thường xuyên đóng góp 60 - 65% ngân sách tỉnh và là cực tăng trưởng quan trọng nhất đối với phát triển công nghiệp và thu ngân sách địa phương.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, các KKT ven biển miền Trung đã giúp khu vực còn nhiều khó khăn này chuyển động mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh như gia tăng sản lượng và nâng cao vai trò vị trí của vùng, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế và tăng độ mở nền kinh tế, thúc đẩy đô thị hóa…

Hầu hết các KKT ở khu vực miền Trung đều có diện tích rất lớn, một số KKT trải rộng trên nhiều huyện, thành phố. Việc quy hoạch diện tích lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tổng thể trong dài hạn.

Điều này giúp các KKT ven biển không chỉ đơn thuần là những nơi phục vụ sản xuất kinh doanh mà các khu này có thể trở thành các đô thị mới tạo môi trường thuận lợi cho người lao động và dân cư sinh sống.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND tỉnh thông qua, KKT mở Chu Lai sẽ phát triển theo hướng KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Đột phá chính sẽ là ngành cơ khí lắp ráp, chế tạo ô tô, điện khí và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, tự động hóa, điện tử và các sản phẩm sau khí quy mô quốc gia.

Cần thêm chính sách để tạo đột phá

Các KKT ven biển hiện nhận được sự quan tâm lớn nhằm tạo ra các trung tâm kinh tế biển mạnh góp phần đến năm 2030, kinh tế các tỉnh, thành phố ven biển sẽ chiếm 65% - 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước như Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dù vậy, các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu ra nhiều lực cản hiện nay của các KKT như cơ chế chính sách phát triển các KKT dường như thiếu đột phá và chưa đủ mạnh theo yêu cầu phát triển, cơ chế chính sách chung cho tất cả tuy đã tạo ra sự bình đẳng nhưng khá cứng nhắc.

Mức độ chuyên môn hóa chưa cao giữa các KKT ven biển khi vẫn còn sự trùng lắp hay các ngành sản xuất giống nhau tạo ra tính thay thế và cạnh tranh lẫn nhau. Sự phát triển của các KKT vẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa để hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp ngoài KKT cũng như vùng phía Tây các địa phương miền Trung…

Do các KKT ven biển ở các địa phương khác nhau có yếu tố trội khác nhau và đặc thù khác nhau, vì vậy cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển từng KKT ven biển trong đó tập trung vào phát triển bền vững một số nhóm ngành, lĩnh vực là động lực trong các KKT.

Theo PGS-TS. Bùi Quang Bình - Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, cơ chế chính sách của các địa phương hiện nay thay vì tập trung chủ yếu vào chính sách ưu đãi thuế và ưu đãi về đất đai cần tập trung vào tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi bình đẳng, tập trung ưu tiên và quan tâm nhiều hơn với các dự án đổi mới sáng tạo và lĩnh vực nghiên cứu - phát triển (R&D) vào các KKT ven biển ở miền Trung.

PGS-TS. Bùi Quang Bình đề xuất, cần thực hiện các chính sách phát triển các mô hình vườn ươm công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất... trong các KKT ven biển, với mục tiêu tạo nên các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào R&D, chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu vào phát triển sản phẩm thương mại hóa.

Còn theo TS. Lê Văn Hùng - Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), giai đoạn tới nên nghiên cứu những chính sách trọng tâm thí điểm tạo môi trường phát triển 2-3 cụm khu KKT ven biển theo vùng. Khi đó, nguồn lực mới thực sự được tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và các công cụ bảo vệ, phục hồi môi trường sinh thái để tạo ra những KKT ven biển thực sự bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực phát triển từ các khu kinh tế ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO