Động lực phát triển vùng đông Thăng Bình

NGUYỄN QUANG VIỆT 25/12/2015 10:28

Cầu Cửa Đại đã đi vào hoạt động, đường dẫn nối liền Hội An - Duy Xuyên - Thăng Bình - Tam Kỳ hoàn thành trong nay mai là tiền đề để Thăng Bình khai thông lợi thế, phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ, tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đông.

Đa dạng loại hình du lịch

UBND huyện Thăng Bình đang thực hiện quy hoạch, xây dựng các cụm du lịch ở các xã vùng đông. Đây được xem là cơ sở để định hướng quy mô, mức độ phát triển du lịch gắn với nguồn lực, tiềm năng của huyện. Theo đó, cụm du lịch biển sẽ có sản phẩm chính là các khu nghỉ dưỡng; cụm du lịch làng nghề gắn với lễ hội sẽ có sản phẩm chính là tham quan làng nghề nước mắm Cửa Khe (Bình Dương); làng rau Hưng Mỹ (Bình Triều) kết hợp với tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội rước cộ Bà Chợ Được và di tích đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Sông Trường Giang tạo cơ hội để mở cụm du lịch cộng đồng với sản phẩm chính là du lịch sinh thái gắn với đánh bắt thủy sản.

Lễ hội văn hóa thể thao tổ chức thường kỳ ở xã Bình Minh thu hút du khách và nhân dân tham gia. Ảnh: N.Q.V
Lễ hội văn hóa thể thao tổ chức thường kỳ ở xã Bình Minh thu hút du khách và nhân dân tham gia. Ảnh: N.Q.V

Từ quy hoạch phát triển, các tour du lịch cũng đang được định hình, thực hiện bước đầu và tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2017. Theo đó, tour du lịch biển sẽ được bắt đầu từ thị trấn Hà Lam đến xã Bình Minh. Ở chặng đường này, du khách sẽ được tham quan các di tích trên đường đi và có dịp thưởng ngoạn phong cảnh biển, thưởng thức ẩm thực hải sản và nghỉ ngơi trong khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Bình Minh. Ở tour du lịch làng nghề gắn với lễ hội, du khách sẽ được thưởng lãm các làng nghề trồng rau sạch, làm nước mắm truyền thống, khám phá văn hóa, phong tục, tập quán địa phương. Ở tour du lịch sinh thái, Thăng Bình tổ chức kết nối với Hội An, Duy Xuyên để du khách đi dọc sông Trường Giang, khám phá sông nước, đời sống của ngư dân cũng như trực tiếp đánh bắt thủy sản trên sông.

Theo ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, trên cơ sở đường dẫn cầu Cửa Đại đang được kiện toàn, kết nối các huyện, thành phố vùng đông của tỉnh, Thăng Bình sẽ đầu tư, hoàn thiện một số tuyến đường ở vùng đông của huyện để thuận lợi cho phát triển du lịch. Đó là các tuyến đường ĐT613 nối xã Bình Dương với Bình Minh và quốc lộ 1; đường đông Trường Giang nối các xã Bình Dương, Bình Đào và Bình Hải; quốc lộ 14E nối Bình Minh với quốc lộ 1; đường ĐH14 nối Bình Sa với Bình Hải. Cùng với hoàn thiện giao thông, Thăng Bình đang chú trọng xúc tiến, quảng bá du lịch ở cổng thông tin điện tử của huyện, của tỉnh cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được huyện thực hiện thông qua gắn kết với các trường du lịch, ngoại ngữ cũng như tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Phát triển thương mại - dịch vụ

Theo UBND huyện Thăng Bình, thời gian qua, các hoạt động thương mại - dịch vụ ở vùng đông của huyện nói riêng, Thăng Bình nói chung đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân. Tuy nhiên, nhìn tổng thể vẫn chưa xứng tầm. Đi đôi với định hướng phát triển du lịch vùng đông thì phát triển thương mại - dịch vụ sẽ hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Theo đó, ưu tiên của huyện là tăng cường liên doanh, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển thương mại - dịch vụ trong sự kết nối chặt chẽ với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Mục tiêu của Thăng Bình từ nay đến năm 2020 là phát triển thương mại - dịch vụ ổn định, từng bước tăng trưởng với tốc độ nhanh, tạo việc làm và ổn định thu nhập cho người dân, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Để phát triển thương mại - dịch vụ, Thăng Bình coi trọng khớp nối với Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, trước hết Thăng Bình rà soát lại quy hoạch các tuyến đường bộ, đường sông ở vùng đông, kết nối với cầu Cửa Đại và đến các trung tâm Hội An, Đà Nẵng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ các hoạt động thương mại - dịch vụ. Trong đó, đặc biệt coi trọng hạ tầng các chợ đầu mối có truyền thống lâu đời như chợ Được, chợ Hưng Mỹ (Bình Triều), chợ Bà (Bình Giang), chợ Lạc Câu (Bình Dương) để tạo điểm nhấn tham quan, mua sắm gắn với tìm hiểu phong tục, tập quán và cuộc sống riêng của cư dân địa phương.

Theo ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2020, giá trị thương mại - dịch vụ sẽ đạt 22,5% trong tổng thể các ngành kinh tế, trong đó dự kiến riêng vùng đông sẽ đóng góp gần 10%. Để thực hiện điều này, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi doanh nghiệp; phát triển hệ thống chợ và đầu tư cho siêu thị; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; xây dựng đô thị, trước mắt là Bình Minh, Bình Trung, Bình Triều thành đô thị loại V; đào tạo nguồn nhân lực để phát triển. “Thăng Bình đang tập trung khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng lớn của vùng đông, đưa phát triển thương mại - dịch vụ thành động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng của người dân vùng đông mà còn tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, lan tỏa phát triển cho toàn huyện” - ông Phan Công Vỹ nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực phát triển vùng đông Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO