Từ sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã có thêm động lực để mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất và “dấn thân” vào các lĩnh vực mới; trong đó nông nghiệp và vận tải biển là hai lĩnh vực nổi bật.
Hợp tác sản xuất máy nông nghiệp
Không chỉ “nổi tiếng” là nhà sản xuất ô tô số 1 Việt Nam, Trường Hải còn “dấn thân” sang ngành kinh tế còn nhiều khó khăn là nông nghiệp. Ngày 24.3.2019, Thadi - một công ty con chuyên về nông lâm nghiệp của Trường Hải ra đời. Theo dự kiến, nhà máy công suất hơn 200.000 tấn/năm, khởi sự cho hàng loạt hạng mục đầu tư đang được triển khai như tổng kho, nhà máy sản xuất, chế biến sau thu hoạch cho trái cây, các nhà máy sản xuất đồ gỗ, cung cấp các giải pháp cơ giới hóa cho nông nghiệp, sản xuất vật tư, thiết bị, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ ngành nông nghiệp…
Cuộc “dấn thân” vào lĩnh vực nông nghiệp đầy khó khăn của Trường Hải không phải là một trào lưu như các tập đoàn lớn trong mấy năm gần đây. Công ty này sẽ phát triển nông nghiệp theo mô hình sản xuất công nghiệp với sản lượng lớn, chất lượng an toàn, ổn định bằng cơ giới, tự động hóa với các thiết bị chuyên dụng và ứng dụng số hóa trong quản trị xuyên suốt chuỗi giá trị từ nghiên cứu, canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến, phân phối theo các nhóm cây trồng.
Quyết tâm “chấn hưng” nông nghiệp bằng cơ giới hóa hay ứng dụng công nghệ cao của Trường Hải khởi sự từ sự góp sức của Tập đoàn LS Mtron - hãng sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc (ký kết hôm 17.1.2017). Nhà máy sản xuất nông cụ tại Chu Lai công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp giai đoạn 1 do LS Mtron chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ sư Thaco trong việc nội địa hóa các linh kiện máy kéo đạt hàm lượng giá trị khu vực đến 50%. Máy nông cụ do Trường Hải tự nghiên cứu, chế tạo, thiết bị sản xuất nội địa hóa dưới sự tư vấn từ LS Mtron đã thâm nhập thị trường, hy vọng sẽ dần thay thế hàng ngoại nhập. Điểm đáng chú ý là sản phẩm của Thaco được cho là phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền Việt Nam; có thể phát triển máy móc, thiết bị chuyên dụng cho nhóm sản phẩm nông nghiệp các loại khép kín từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, phân phối... Từ cơ giới hóa đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp có năng lực như Trường Hải với sự hợp tác của doanh nghiệp đầy năng lực và thế mạnh Hàn Quốc sẽ mở ra bước phát triển mới của nền nông nghiệp Việt Nam.
Xây dựng cảng biển quốc tế
Không chỉ góp phần thúc đẩy cơ giới hóa, đưa doanh nghiệp nội địa “dấn thân” vào nông nghiệp, sự hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tạo ra chuyển biến lớn về vận tải biển của Quảng Nam. Ngày 5.8.2016, chuyến tàu SITC từ cảng Inchon (Hàn Quốc) trọng tải 20.000 tấn đã cập bến cảng số 1 Tam Hiệp an toàn. Cảng Chu Lai chính thức trở thành một “cảng quốc tế” xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam. Kể từ đây, những khó khăn về hàng linh kiện từ Hàn Quốc về TP.Hồ Chí Minh, sau đó chuyển về Chu Lai tốn thời gian, chi chí gấp 2 lần đã chấm dứt.
Việc mở tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp, không cần thông qua các cảng trung chuyển không đơn giản chỉ là chuyện rút ngắn hải trình và thời gian mà từ cảng biển này, sẽ trở thành vận hội cho Quảng Nam rộng cửa đón các nhà đầu tư không chỉ đến Chu Lai mà còn đến nhiều vùng đất khác của Quảng Nam. Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết sự kiện này là cột mốc mới, mở ra tiến trình hội nhập của Quảng Nam. Hàng hóa khu vực này được tiết giảm chi phí vận chuyển, giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và Chu Lai sẽ dễ dàng hấp dẫn các nhà đầu tư.
Từ hợp tác với các đội tàu, cảng biển Hàn Quốc, Trường Hải đã đầu tư một bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, phát triển cảng Chu Lai theo hướng cảng container lớn nhất miền Trung, trở thành một cảng quốc tế xuất khẩu trực tiếp. Không chỉ vậy, theo kế hoạch, Trường Hải sẽ tiếp tục mở thêm các tuyến hàng hải quốc tế, hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới, đẩy mạnh hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chu Lai, hình thành nên một “cứ điểm” logistic trọn gói quy mô vào loại bậc nhất miền Trung. Dự kiến, năm nay Trường Hải sẽ vận chuyển gần 54.500 tấn hàng rời, gần 51.300 container hàng hóa bằng đường bộ, đường biển. Sẽ tiếp nhận 791 lượt tàu cập cảng, với sản lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 3,5 triệu tấn, tăng 30% so với năm 2018. Cảng Chu Lai sẽ kết nối giao thương miền Trung - Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia…, mở cửa ngõ ra biển Đông của vùng Đông Bắc Á.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco nói, khởi sự việc mở tuyến hàng hải Hàn Quốc - Chu Lai và ngược lại sẽ mở thêm nhiều tuyến hàng hải khác, không chỉ giảm được chi phí vận chuyển mà còn đánh dấu bước ngoặc đưa cảng Chu Lai trở thành cảng xuất khẩu của Quảng Nam.