Động lực từ vốn vay giải quyết việc làm

VIỆT NGUYỄN 15/09/2021 09:33

Thời gian qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam triển khai đã giúp người dân ổn định sinh kế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Quýt trĩu trái trong khu vườn của anh Lê Bá Tùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quýt trĩu trái trong khu vườn của anh Lê Bá Tùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Điểm sáng ở Núi Thành

Vườn cây ăn quả với xoài, chôm chôm, cam, quýt, chanh, bưởi trên diện tích 2,6ha vườn đồi thuộc thôn Tú Mỹ (xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành) của gia đình anh Lê Bá Tùng rất sum sê. Anh Tùng bảo, các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương rất phù hợp để trồng cây quanh năm. Quê ở Bến Tre, trong một lần về thăm bà con ở Tam Mỹ Tây, nhận thấy thế mạnh của vùng đồi núi, anh Tùng đã mua lại khu đất rộng lớn để đầu tư kinh tế vườn từ nguồn vốn vay GQVL 95 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Núi Thành.

Sau khi vận chuyển giống các loại cây trồng từ miền Nam ra, anh Tùng đầu tư hệ thống thủy lợi, dẫn nước từ chân núi Hố Trung về tưới cho cây trồng. Tính chung, mỗi năm gia đình anh Tùng có nguồn thu 500 triệu đồng, trừ chi phí xong thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn tích lũy được, anh Tùng đầu tư thêm trang trại nuôi heo đen, có thêm thu nhập khá.

“Tôi nghĩ rằng, nếu quyết tâm làm ăn, mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách sẽ đầu tư được mô hình kinh tế hiệu quả” - anh Tùng nói.

Năm 2020, Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho vay chương trình GQVL đạt doanh số hơn 237 tỷ đồng với 6.318 lao động vay vốn; qua đó, dư nợ đạt hơn 495,2 tỷ đồng với 13.197 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ có 169 triệu đồng (tỷ lệ 0,03%). Trong 8 tháng năm 2021, doanh số cho vay GQVL xấp xỉ 262 tỷ đồng với 6.714 lao động được vay vốn, nâng dư nợ đạt hơn 647 tỷ đồng với 16.376 khách hàng còn dư nợ. Đến nay, nợ quá hạn là 168 triệu đồng, chỉ chiếm 0,026%.

Ông Nguyễn Hậu - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Núi Thành cho biết, từ đầu năm đến nay đã cho 381 lượt hộ vay vốn GQVL với doanh số 13,4 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện Núi Thành đã có 1.179 lượt hộ vay vốn GQVL với tổng dư nợ hơn 37,4 tỷ đồng.

Nguồn vốn cho vay GQVL đã tháo gỡ bớt khó khăn cho người lao động trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp các hộ nghèo, chính sách trên địa bàn có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định đời sống với đa dạng mô hình kinh tế như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản...

Từ sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời này, đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, giúp các hộ dân khác tham quan, học hỏi, tiếp thu, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng cách làm ăn hiệu quả. Bởi vậy, chương trình cho vay GQVL trên địa bàn Núi Thành hầu như không có nợ quá hạn.

Dấu ấn chất lượng tín dụng

Chương trình cho vay GQVL ở huyện Phú Ninh cũng cho thấy hiệu quả nổi bật. Bà Phan Thị Tư (thôn Trường Lộc, xã Tam Thành, Phú Ninh) vay 100 triệu đồng để triển khai mô hình nuôi heo sạch.

Tính trung bình mỗi năm, bà Tư xuất bán 3 lứa heo, mỗi lứa 50 con, doanh thu 700 triệu đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương. Cũng ở thôn Trường Lộc, bà Trần Thị Thu Nguyên vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phú Ninh để đầu tư trồng rau sạch.

Canh tác rau hiệu quả, ổn định đầu ra, bà Nguyên có doanh thu hơn 400 triệu đồng bán rau mỗi năm, thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Nhờ ký hợp đồng liên kết sản xuất với nhiều doanh nghiệp, bà Nguyên mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

 Bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phú Ninh cho biết, doanh số cho vay chương trình GQVL trong 8 tháng qua là hơn 22 tỷ đồng với 512 lượt khách hàng vay vốn. Tính đến hết ngày 31.8, tổng dư nợ cho vay GQVL đạt hơn 57,6 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ là 1.503 người.

Hầu hết dự án vay vốn GQVL được người dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh tổng hợp. Trong tổng số dự án cho vay, dự án thuộc kinh tế hộ gia đình chiếm đa số, tập trung ở khu vực nông thôn, thu hút lực lượng lao động nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Vốn vay GQVL ở Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phú Ninh cũng đạt hiệu quả cao, không phát sinh nợ quá hạn.

 Đề cao chất lượng tín dụng chương trình cho vay GQVL, Ngân hàng CSXH Quảng Nam chú trọng giải ngân kịp thời, quản lý tốt nguồn vốn. Theo đó, chỉ đạo các phòng giao dịch ở các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay là nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh. Qua đó, đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, giúp người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh tốt.

Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, trong năm 2021, nguồn vốn chương trình GQVL là 150 tỷ đồng (trung ương 75 tỷ, ngân sách tỉnh 75 tỷ đồng). Đến nay, việc giải ngân nguồn vốn đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đối tượng. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phần lớn lao động trong ngành du lịch mất việc làm, vì thế đơn vị đang huy động thêm nguồn lực để đẩy mạnh triển khai cho vay, giúp họ có công ăn việc làm, đầu tư sản xuất, kinh doanh, ổn định thu nhập.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực từ vốn vay giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO