(QNO) - Khởi động du lịch trong giai đoạn “bình thường mới” được xem là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược khởi động nền kinh tế tại khu vực Đông Nam Á.
Các gói kích cầu du lịch
Theo thống kê của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), dịch vụ du lịch và lữ hành đóng góp 12,1% GDP của khu vực Đông Nam Á và tạo việc làm cho 10% lao động trong các lĩnh vực liên quan vào năm 2019. Do đó, điều quan trọng là phải hướng tới sự phục hồi nhanh chóng và hiệu quả của ngành công nghiệp không khói.
Các điểm du lịch nổi tiếng như Thái Lan sẵn sàng mở cửa trở lại, trong đó nhiều nơi xem xét các chiến lược “bong bóng du lịch” - cho phép người dân của một số vùng nhất định - nơi có số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp - được đi lại tự do qua biên giới mà không phải trải qua quá trình cách ly 14 ngày. Ngoài ra còn có chiến lược “làn đường xanh” và “hành lang du lịch” để tạo niềm tin, an toàn đón du khách trở lại.
Sojern - một công ty phân tích dữ liệu du lịch cho biết, các tìm kiếm trực tuyến về khách sạn ở Bali (Indonesia) gần như đã đạt đến mức trước đại dịch dựa trên khả năng mở cửa trở lại vào đầu năm tới. Chính phủ và ngành công nghiệp không khói tại khu vực đang làm việc cùng nhau để hình thành các kế hoạch mở cửa lại an toàn.
Thái Lan ban hành gói kích thích du lịch nội địa trị giá hơn 22 tỷ baht (hơn 700 triệu USD) để phục hồi du lịch trong nước, trong khi Campuchia công bố các hướng dẫn và quy tắc ứng xử an toàn mới cho các doanh nghiệp du lịch.
Tương tự, Malaysia chứng kiến sự gia tăng trong các gói kích thích du lịch nội địa, trong khi Việt Nam triển khai chiến dịch quảng bá gói kích cầu du lịch mang tên “Người Việt Nam đi du lịch tại Việt Nam”. Singapore công bố chương trình voucher (phiếu quà tặng hoặc mã giảm giá mua hàng) trị giá 233 triệu USD nhằm tăng tiêu dùng nội địa trong lĩnh vực toàn ngành du lịch.
Công nghệ - chìa khóa khởi động du lịch
Liên minh Internet châu Á (AIC) tin tưởng mạnh mẽ sự phối hợp hơn nữa giữa các chính phủ thuộc khu vực Đông Nam Á, cũng như quan hệ đối tác với ngành công nghiệp này sẽ xác định và lập bản đồ tốc độ phục hồi du lịch.
Thời hậu Covid-19 với cuộc sống trở lại “bình thường mới”, mỗi khách du lịch sẽ được yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân khi muốn trải nghiệm đi du lịch tại các nước. Đây là cơ hội ASEAN tập trung phát triển một khuôn khổ nhất quán để bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát an ninh mạng.
Tương tác quan trọng đầu tiên với khách du lịch sẽ là trực tuyến. Theo Condor, 82% đặt chỗ du lịch toàn cầu trong năm 2018 được hoàn thành thông qua trang web hoặc ứng dụng di động. Các công ty như Expedia Group và Booking.com đã triển khai các cải tiến trực tuyến giúp khách hàng dễ dàng hủy chuyến đi hơn nếu tình hình thay đổi, cũng như dễ dàng lên kế hoạch và thay đổi quyết định.
Khách du lịch được hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số, cho phép thanh toán không tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh. Do đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đẩy nhanh việc tích hợp các khả năng kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh của họ, cũng như thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.