Nhiều hoạt động sôi nổi đang diễn ra tại các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia nhân dịp tết cổ truyền của các dân tộc tại khu vực.
Ngày 12.4, Myanmar bắt đầu lễ hội té nước (hay tết Thingyan) để đón chào năm mới truyền thống trên khắp cả nước, kéo dài trong 5 ngày. Ngay tại thủ đô Nay Pyi Taw nổi bật với các nhóm múa truyền thống trong trang phục đầy màu sắc. Trên các con đường, ngõ nhỏ, mọi người cùng nhảy theo điệu nhạc và tắm nước ướt sũng cho nhau. Năm nay, khoảng 210 trạm nước bao gồm của chính quyền và tư nhân được thiết lập khắp Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar để phục vụ nước cho người dân và du khách dịp lễ hội. Trong đó, phải kể đến lễ hội Nước truyền thống của dân tộc Rakhine được tổ chức tại Yangon, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Các thiếu nữ và nam thanh niên đứng đối diện nhau trên những chiếc thuyền lớn để dội hay bắn nước đối phương. Tết Thingyan là lễ hội lớn nhất trong năm tại Myanmar để cầu mong thịnh vượng, hòa bình và thống nhất dân tộc.
Lễ hội té nước tại Thái Lan.(Ảnh: Straittimes) |
Mặc dù tết truyền thống hay lễ hội Songkran tại Thái Lan chính thức bắt đầu từ ngày 13.4 và kéo dài 3 ngày, nhiều khu vực tại Thái Lan đã tổ chức lễ hội vào trước đó. Như nhiều người dân địa phương và du khách tham gia lễ hội té nước tại thành phố cổ Ayutthaya từ đầu tuần này. Những chú voi khoác lên mình các hình vẽ bông hoa đầy sắc màu để cùng tham gia mùa hội. Chúng uống thật nhiều nước để phun lên những người quanh. Mặc dù lễ hội Songkran năm nay diễn ra trong bối cảnh Thái Lan đang gánh chịu tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra khắp mọi nơi, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha cho biết vẫn đảm bảo nguồn nước cho người dân tham gia lễ hội. Theo thống kê của Bộ Du lịch Thái Lan, mùa nghỉ lễ năm nay có thể mang về 15 tỷ baht (khoảng 427 triệu USD) cho ngành du lịch Thái, thu hút nửa triệu khách trong vòng 5 ngày.
Trong 4 ngày từ 13.4, người dân Lào rộn ràng đón năm mới tết cổ truyền Bunpimay hay Lễ hội Hốt Nậm (té nước), cầu mong nước về thật đầy để cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc, cho các vụ mùa được bội thu. Thời điểm giữa tháng 4 hằng năm cũng bắt đầu vào mùa mưa ở Lào nhưng nhiệt độ rất cao. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức khắp nơi. Tuy nhiên, trong thông báo của Chính phủ Lào vào cuối tháng 3 vừa qua đã yêu cầu các cơ quan thuộc Nhà nước phải tổ chức đón năm mới tiết kiệm nhất. Bộ Công Thương Lào cũng kiểm soát chặt chẽ thị trường để không cho giá cả các mặt hàng tăng bất thường mùa lễ hội, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng Lào tiến hành nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông đặc biệt cao điểm trong dịp tết cổ truyền dân tộc.
Cũng như lễ hội năm mới của các nước trong khu vực, người dân Campuchia khắp nơi tổ chức lễ hội té nước để xua đuổi những điều xui xẻo năm cũ, cùng nhau chào đón may mắn trong năm mới. Tết của Campuchia, hay còn gọi lễ hội Chol Chnam Thmay theo theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, diễn ra trong 3 ngày (13 - 15.4). Dịp này, trên khắp con đường, đặc biệt tại nhiều ngôi chùa nơi đây sáng rực đèn hoa. Campuchia tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và không một du khách nào có thể bỏ qua việc chiêm ngưỡng những vũ điệu Apsara quyến rũ.
NAM VIỆT