Là khu vực có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, Đông Nam Á (ASEAN) đang chứng kiến nền kinh tế internet tăng trưởng mạnh.
Số người sử dụng điện thoại thông minh tại khu vực ASEAN tăng cao. Ảnh: straittimes |
Theo nghiên cứu vừa được công bố ngày 12.12 của Google và công ty đầu tư bất động sản Temasek Holdings có trụ sở tại Singapore, nền kinh tế internet của ASEAN chạm mốc 50 tỷ USD vào năm 2017. Tốc độ phát triển của nền kinh tế internet hay còn gọi là nền kinh tế mới, dựa vào các công nghệ kỹ thuật số tăng 27% trong năm nay, vượt xa dự báo ban đầu (20%). Trong đó, du lịch trực tuyến đạt 26,6 tỷ USD thông qua dịch vụ đặt vé máy bay và đặt khách sạn trực tuyến, truyền thông trực tuyến đạt 6,9 tỷ USD. Ngoài ra, thương mại điện tử (e-commerce) đạt 10,9 tỷ USD và gọi xe trực tuyến cũng tăng mạnh, lên 5,1 tỷ USD, tăng 40% so với năm ngoái. Nền kinh tế số được khuyến nghị trở thành trọng tâm chính sách trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Dường như nền kinh tế số tại khu vực chưa có dấu hiệu chậm lại và dự kiến tiếp tục đạt mốc 200 tỷ USD vào năm 2025. Đến cuối năm 2017, số người sử dụng internet hằng tháng tại khu vực đạt 330 triệu người, tăng hơn 70 triệu người dùng mới kể từ năm 2015, đứng thứ 3 toàn cầu về số người sử dụng internet. Tuy nhiên, số lượng này cũng mới chỉ đạt gần một nửa so với tổng dân số tại khu vực. Vì vậy, thị trường internet và nền kinh tế internet tại ASEAN còn rất nhiều tiềm năng. Theo thống kê, hơn 90% số người dùng internet tại khu vực sử dụng thiết bị điện thoại thông minh, lướt web trung bình 3,6 giờ mỗi ngày, tức cao nhất thế giới. Di dộng được xem là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế internet. Tại cuộc họp báo với truyền thông mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Google tại khu vực và Ấn Độ Rajan Anandan nói, xu hướng tiêu dùng dịch vụ trực tuyến và phát triển di động tại khu vực là động lực cho tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử.
Trước nhu cầu thiết bị di động và nền kinh tế internet, vấn đề nguồn nhân lực công nghệ thông tin được đặt ra. Các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan… được biết đến với thế mạnh về lĩnh vực này. Thế nhưng trong báo cáo liên quan mới nhất của Việt Nam cho thấy, vào năm 2020 nước ta cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin. Thế nhưng theo tính toán, số nhân lực thiếu hụt lên tới hơn 500.000 người. Ngay như Singapore, với chủ trương xây dựng nền kinh tế theo hướng trở thành trung tâm công nghệ và đang nổi lên như một trung tâm về khởi nghiệp của ASEAN, vẫn thông báo thiếu hụt hàng chục nghìn chuyên viên công nghệ thông tin. Vì vậy, Singapore đặt ra rất nhiều ưu đãi để thu hút nhân tài mạnh nhất ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới và hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề. Các quốc gia trong khu vực hiện tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin để giải quyết bài toán cho nền kinh tế internet. Qua đó không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của các quốc gia khu vực trong thời đại công nghiệp 4.0 mà còn đáp ứng xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế số.
NAM VIỆT