Dòng sông La thứ

HỨA XUYÊN HUỲNH 13/02/2022 06:02

Từ âm điệu sông Hương xứ Huế qua góc nhìn của văn thi sĩ, tôi nghĩ đến tiếng vọng mà sông núi quê hương vẫn đang cất giấu, chờ tri âm đến nghe…

Khách phương xa đến chiêm ngắm sông Hương, đoạn uốn lượn qua chân đồi Vọng Cảnh. Ảnh: H.X.H
Khách phương xa đến chiêm ngắm sông Hương, đoạn uốn lượn qua chân đồi Vọng Cảnh. Ảnh: H.X.H

“Những năm vào đời của một tài năng, Trịnh Công Sơn đã khám phá ra âm hưởng La thứ dịu dàng của dòng sông ở Huế”. Viết đến đây, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mở ngoặc đơn ghi tên các ca khúc của họ Trịnh: Ướt mi, Nắng thủy tinh…

Nguồn liên tưởng thú vị này, tôi đọc thấy trong bài nhàn đàm “Hành tinh yêu thương của Hoàng tử Bé”.

Không nói rõ ra, nhưng tôi tin ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đang nói về sông Hương. Và “âm hưởng La thứ dịu dàng” kia, hẳn là ông cũng đang dành riêng để chỉ một khúc quanh sông Hương, khi sông vừa giáp mặt thành phố ở cồn Dã Viên rồi uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến.

Trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường diễn giải thêm: “Đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”.

Ở cuối cánh cung đó, riêng tôi có sẵn có một chỗ dừng chân cho những lần đến Huế.

Một sớm đầu xuân năm nay, tôi đứng ở đồi Vọng Cảnh để chiêm ngắm sông Hương. Nhiều năm trước ở Huế, đã nhiều lần tôi lang thang lên đây. Nhưng hoặc chỉ thấy một vùng trời nước vàng óng buổi trưa, hoặc sắc tím của chiều. Bây giờ, tôi mới lần đầu thấy sông xanh của buổi ban mai.

Buổi sáng đầu năm có mưa nhẹ, lớt phớt lạnh. Những câu văn chải chuốt của Hoàng Phủ Ngọc Tường trỗi dậy trong trí nhớ để tôi biết mình đang đứng ở một cao điểm đột ngột trong đám quần sơn lô xô, nơi sông Hương đang mềm mại chảy bên dưới.

Tôi đứng đó, phóng tầm mắt về phía thượng lưu, thử hình dung xem sông Hương đã ném chìa khóa ở hang đá nào dưới chân núi Kim Phụng, giấu mình, trước khi dòng nước rời cửa rừng về xuôi…

Ở lưng chừng tầm mắt, tôi bắt gặp một con đò chạy nối bến Than ở bờ nam với điện Hòn Chén ở bờ bắc. Có vài ba chuyến qua lại như thế trong quãng thời gian ngắn tôi còn loanh quanh ở đồi Vọng Cảnh buổi sáng, hẳn là đò đưa khách du xuân.

Con đò bé nhỏ vạch đường ngang trên mặt sông tĩnh lặng, như một nét sổ đầu tiên trên năm dòng kẻ của khuông nhạc, nhắc nhớ rằng “dòng sông La thứ” kia chỉ mới vừa rời ngã ba Tuần. Và quãng sông cong trước mặt còn phải liên tục vòng qua Ngọc Trản, ôm lấy biền bãi Thủy Biều và chân đồi Thiên Mụ, như đang còn dò tìm cao độ trước khi giáp mặt cồn Dã Viên…

Cũng chính nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi đối diện sông Nêva cuộn chảy ở Nga, đã sực nhớ điệu chảy lặng lờ của sông Hương đoạn ngang qua kinh thành. Ông gọi đó là “điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế”.

*
*          *

Với nhiều người, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ viết rất hay về Huế, mà với Quảng Nam, không có nhiều tác phẩm ấn tượng hơn bút ký “Đứa con phù sa” của ông.

Trong một lần chuyện trò trước tết, NSND Huỳnh Hùng (nguyên Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng) kể rằng sau khi “Đứa con phù sa” vừa “chào đời” hồi tháng 12.1984, tết năm ấy có một vị phó chủ tịch UBND huyện Điện Bàn đã lặn lội ra Huế tặng quà tết nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Quà quê dân dã thôi, một ít đường bát và nếp mới để nấu xôi.

Ở chiều ngược lại, thi sĩ Quảng Nam cũng đã có một số thi phẩm rất hay về Huế, khó ai sánh kịp. Như Thu Bồn Hà Đức Trọng với “Tạm biệt Huế”. Từ hơn 40 năm trước, những câu thơ ông viết dường như còn vang động đến tận bây giờ, khi tôi lang thang ở đồi Vọng Cảnh: “Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ/ Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu...”.

Thêm một thi sĩ Quảng Nam viết nhiều về Huế và nổi danh từ rất sớm: Nam Trân Nguyễn Học Sĩ. Thật trùng hợp thú vị, con người tài hoa quê Đại Lộc, Quảng Nam nhưng lại được mệnh danh “thi sĩ của xứ Huế” này cũng sớm nghe ra âm điệu của sông Hương.

Giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân xếp thơ Nam Trân vào thơ tả chân cùng với Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, “những bài thơ tả chân biệt hẳn ra một lối”.

Mặc dù vậy, trong bài “Núi Ngự, sông Hương” viết từ thập niên 40 của thế kỷ 20, dòng sông kia dường như đã thoát tục trong thơ Nam Trân: “…Điệu đờn vút tận cung tiên/ Ung dung tỏa nhẹ xuống miền nhân gian/ Ru hồn một giấc mang mang/ Êm như mặt nước mơ màng biếng trôi...”.

*
*        *

Theo con nước trôi dần qua vùng đồi núi sừng sững như thành quách dưới chân đồi Vọng Cảnh rồi ngang qua soi bóng kinh thành, tôi tiếp tục đi về phía cồn Hến.

Như một sự sắp đặt, ở phía cuối cánh cung ấy, giờ đây có một con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Qua khỏi cầu Gia Hội, con đường Trần Hưng Đạo chẻ làm ba nhánh. Nhánh men theo dòng Đông Ba (đường Bạch Đằng).

Nhánh ở giữa (đường Chi Lăng). Nhánh còn lại bám theo bờ bắc sông Hương, ấy là đường Trịnh Công Sơn. Ngay đầu con đường này, doi đất nhô ra được thiết kế thành công viên và cũng đặt theo tên người nhạc sĩ tài hoa.

Tuyến đường Trịnh Công Sơn chỉ chạy một quãng chừng 600 mét thôi đã không còn ôm ghì lấy bờ sông phía bắc nữa, mà như bỏ cuộc, bất ngờ rẽ trái, giáp tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chỗ giao cắt với đường Chi Lăng. Nhưng mỗi lần qua đây, tôi luôn thấy đường Trịnh Công Sơn vẫn như đang nhập vào với đường Chi Lăng chạy cạnh đấy để tiếp tục xuôi về phía hạ lưu sông.

Tôi hay qua lại đoạn sông này, vì có một điểm hẹn thân thương mỗi lần đến Huế. Buổi chiều đầu xuân năm nay ra Huế, tôi cũng tìm đến đấy, cùng chủ nhân ngồi chuyện trò bên trong gian nhà ấm áp ở phía bờ bắc cồn Hến.

Ở bờ nam, cồn bãi xanh tươi khuất lấp sau làn mưa lạnh và những cánh mai vàng. Tôi không đủ bén nhạy để nghe thấy tiếng “vâng” thầm kín của một ai đó đang yêu, có chăng chỉ là ý thơ hẹn hò dành riêng cho nhóm bạn sau mấy bận kéo về đây ngắm sóng…

Vẫn là dòng sông xưa, vẫn với trang văn hay câu thơ cũ, mà tự dưng dấy lên trong ta bao nhiêu lời gọi mời. Tôi không tin một dòng sông có thể làm nên cung bậc kiểu La thứ (Am) trên di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn, cũng không tự chọn lấy tiết điệu Slow khi lặng chảy qua kinh thành, như sông Hương. Nhưng tôi cũng rất muốn tin, một khi trong lòng người đã chứa sẵn âm vang, thì bất cứ sông suối nào ngang qua đời mình sẽ dễ dàng cộng hưởng và làm bật lên ca từ…

Đã có nghệ sĩ nào nghe thấy âm điệu của sông nước xứ Quảng đang tấu lên trên từng tác phẩm của mình chưa?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dòng sông La thứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO