Dòng sông quê

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 24/07/2016 07:27

Thế hệ chúng tôi hoặc lớn hơn chút ít, từ những năm 1960 - 1970 thế kỷ trước, cứ mỗi lần nghe Thái Thanh hát bài Tình hoài hương của nhạc sĩ Phạm Duy, thì y như là có đang làm việc gì cũng bỏ lại để cùng “cặp đôi” nhạc sĩ - ca sĩ này nhắc nhớ một miền quê. Ai cũng dự phần trong không gian âm nhạc mượt mà nhưng tha thiết ấy…

Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê…

Con sông quê

Nhiều làng quê Việt, từ nam chí bắc, đều ở bên một dòng sông, cái hồ, con suối. Nhưng phần lớn là sông. Đó như một nguyên tắc bất dịch trong đời sống văn minh lúa nước. Bởi vậy, ta để lại bao lưu luyến với sông khi rời quê ra phố, khi tha phương cầu thực. Những trưa hè tắm mát cùng sông, cỡi trâu xuống sông tắm, bơi ghe dọc những lũy tre triền sông tìm bắt tổ chim, hay hò hét khi xem một giải đua ghe đầu xuân, trong ngày hội làng…

Thả lưới trên sông. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thả lưới trên sông. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Làng ở bên sông để có một Tế Hanh ra Bắc còn Nhớ con sông quê hương, để anh chàng nhạc sĩ Quảng Nam họ Vũ mê hoặc bởi những ca từ tài hoa, níu kéo một tình yêu đầu đời đã chia biệt Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt… Sông bên làng để có những đêm trăng trai gái hò hơ đối đáp, tát nước bằng gàu sòng, gàu giai dẫn nước vào ruộng. Cả nhà khảo cổ học H. Maspero và học giả Đào Duy Anh (Việt Nam Văn hóa sử cương) đều mô tả những làng bên sông và kỹ thuật canh tác lúa của ông cha chúng ta thời xưa đến nay. Tôi có cảm giác “bộ ba” làng - sông ngòi - nông nghiệp quyện chặt vào nhau từ cổ tích, ca dao đến đời sống tinh thần Việt từ bao đời.

Những dòng sông chảy qua làng còn là con đường vận chuyển hàng hóa để “mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”, để những chuyến đò dọc chở khách xuôi biển ngược nguồn. Nhưng sông thì có bến. Bến ở bên làng. Cứ lấy mấy dòng Thu Bồn, Vu Gia hay Trường Giang, Vĩnh Điện… của Quảng Nam thôi đã có bao nhiêu là bến: Bến Dầu, bến Đường, bến Đền, bến Đá, bến Hục, bến Vân Ly, bến Ván, bến Chợ Củi, bến Ngân Câu, bến Lạc Câu, bến Sỏi, bến Trung Phước, bến Gia Hòa… Mỗi bến sông liên quan đến một sản vật, một làng nghề, một di tích hay một tên làng, nhưng con người vẫn là trung tâm. Con người làm ra sản vật để trao đổi, con người mang tên làng mình ra đi cùng những kỷ niệm buồn vui hay trở lại với bao hoài bão, khát vọng, nhớ nhung. Ở đó, nhà thơ đất Quảng - Tường Linh, đi xa làng bao nhiêu năm trời với những thương hải tang điền vẫn đau đáu nhớ về:

…Mực nước vơi nhiều từ tháng chạp
Bờ sông hiện rõ bóng lau xanh
Nghiêng nghiêng bãi cát viền quê ngoại
Xóm bến dần xa khuất lối quanh

(Quê hương)

Rồi dòng thôi chảy

Dòng sông chảy qua làng Thanh Quýt và Ngũ Giáp ở Điện Bàn quê tôi là một sáng tạo về khai thác thủy văn, thủy lợi từ thời Minh Mạng cùng thời với sông Câu Nhí và Vĩnh Điện. Sông Thanh Quýt là hợp lưu của hai dòng chảy, một từ sông La Thọ của nguồn Vu Gia và một từ Hạ Nông của phía bắc lạch Bình Long. Dòng sông này cùng với các dòng Giáp Ba, An Trạch cung cấp nước cho sông Vĩnh Điện vào mùa khô và tích nước bởi một hệ thống đập dâng lấy nước cho nghề trồng lúa trù phú phía bắc Điện Bàn, nam Hòa Vang từ thời nhà Nguyễn…

Các dòng sông này chi phối một lưu vực rộng lớn cũng đồng thời tạo ra một mực nước ngần khả dĩ có những vườn tược xanh tươi, những xóm thôn xanh mượt và mạch nước ngọt lịm những giếng làng từ bao đời nay…

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái có những ca từ đẹp khi viết một bài hát về con sông Thanh Quýt: “Dòng sông tắm mát đời tôi…”. Tắm mát bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng những tháng năm tuổi thơ và trong trí nhớ của bao nhiêu thế hệ. Đến nỗi nhớ làng là nhớ cả một dòng sông như không thể tách rời!
Vậy mà, mấy chục năm qua dòng sông đã thay đổi. Cái mênh mông của không gian tâm lý giờ chật hẹp một không gian vật lý khi ta lớn tuổi đã đành. Nhưng bởi những tính toán sai lầm khi xây những con đập để lấy nước cho ba vụ lúa đã làm cho phần dòng sông chảy qua các khu dân cư trở thành dòng sông chết, đầy rác bẩn và đục ngầu. Bao thế hệ kế tiếp sau này không còn ra sông tắm. Mực nước ngầm rút sâu làm nghèo đi tầng canh tác các vườn tược và phèn chua xâm nhập những giếng làng nổi tiếng ngọt lịm xưa nay…

Nhiều dòng sông khác cũng vậy. Ngoài hệ thống Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang rộng dài, một Giáp Ba ở  bắc Vĩnh Điện, một sông Yên chảy qua Túy Loan ở Hòa Vang, một Cổ Cò chạy qua Cẩm Thanh ở Hội An… cũng cùng chung số phận bởi ô nhiễm và tệ nạn khai thác cát làm sạt lở cả ruộng vườn, nhà cửa và thay đổi dòng chảy đến tai hại. Tất cả đang đe dọa sự an bình cho canh tác và đời sống của những làng quê…

Chút ngậm ngùi

Ôi, những dòng sông quê “mềm như lụa” đã chảy qua những miền ký ức, chảy qua những thương khó ông cha mai này có còn dịu dàng như những áng văn chương, lời ca tiếng hát mà nhiều thế hệ đã nằm lòng! Những dòng sông gắn bó những tên làng, tên đất cùng bao phận người đó, còn có hình ảnh mẹ già tóc trắng, có bài hát ru em, những vần ca dao từng lặm vào ngôn ngữ thường ngày cùng hình bóng bao người thương người yêu người thân sơ của quê quán … mà tiếng hát Thái Thanh vẫn cất lên xao động:

…Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu…

Chiều nay, tôi về đứng bên dòng sông quê tôi, nhìn dòng biếc của quá khứ đã ngầu đục, nhìn màu nước đỏ quạch như ngưng đọng chảy chia hai làng Thanh Quýt và Ngũ Giáp chỉ còn như một con suối nhỏ mà thương, rồi chạnh nhớ đến Trung niên thi sĩ Lá hoa cồn: Hỏi tên rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa.

Nhưng lòng tôi mong đừng như vậy, sông ơi!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dòng sông quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO