Những dòng sông lịch sử rồi sẽ mờ dần trong màn sương ký ức.
Có dịp trở lại Tiên Phước nhân kỷ niệm 60 năm Chiến dịch Vượt sông Tranh giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc càng cảm thấu điều này.
Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước kể anh từng có một thời tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ gần bến sông qua Nà Ráy, nơi bộ đội chọn điểm chuyển quân về giải phóng Tiên Lãnh năm xưa.
Cách đây mấy mươi năm, đó là bãi cồn lúp xúp lau sậy, nay thì chìm vào lòng hồ chứa của thủy điện. Còn khu Vườn Du, nơi giấu quân, cũng đã bị nước ngập phần nào. Nên chuyện dựng bia dấu tích lịch sử, nếu không kịp làm sẽ chìm mờ trong sương khi lớp người biết chuyện mất đi.
“Hạc vàng đi mất từ xưa…”, những nhân chứng “tầm vóc” cho sự kiện Chiến dịch Vượt sông Tranh năm nào dần rơi như lá vàng thu, trong đó Đại tá Quách Tử Hấp, Đại tá Trần Kim Anh đã mãi mãi về miền mây trắng.
May, lần này còn gặp lại cô Ba Sừng - Trịnh Thị Kim Lan và các bác Phạm Hồng Thái, Phùng Dương… những người từng chứng dự lịch sử, nhưng cuộc đời họ còn rất ít quỹ thời gian để kể lại, ghi lại ký ức.
Tuổi của cô lái đò sông Tranh năm xưa đã 80, tuy còn minh mẫn nhưng như cô nói chẳng biết có còn dự được kỷ niệm lần thứ 65 chiến thắng giải phóng Lãnh- Ngọc nữa hay không.
Cũng như bác Lưu Văn Chính, người ở Đội công tác một thời lừng lẫy tham gia dẫn bộ đội về giải phóng Sơn Cẩm Hà (1962), chân tay đã yếu, mắt mờ rồi. Những lời tâm tình tại lễ kỷ niệm lần này của các nhân chứng, nghe như tiếng trối trăng của một thế hệ già nua rằng hãy mau làm gì để lại cho mai sau, ít nhất là những trang lịch sử được minh định.
Cũng lạ thiệt, nhiều lần tổ chức gặp gỡ, nhưng ở các thời điểm trước đây chẳng ai lo hiệu đính chính xác cái ngày giải phóng Lãnh - Ngọc, rồi tên tuổi người tham gia chiến dịch này (thậm chí có 4 cuốn sử ghi tên sai họ của ông Trần Kim Anh thành Huỳnh Kim Anh, hoặc tên của cô Ba Sừng không phải là Trần Thị Ngọc Lan như một số bài nghiên cứu).
Quả thật là thời gian tàn phá ghê gớm ký ức con người, nên trong nghiên cứu lịch sử, càng để lùi xa sự kiện, càng mất nhân chứng, càng khó ghi lại chính xác các câu chuyện.
Có thể thông cảm trong điều kiện chiến tranh loạn lạc, rồi bộn bề công việc sau ngày hòa bình, khó mà bình tĩnh làm việc chép sử một cách bài bản được. Tuy nhiên cũng phải thấy cái nhược của người Việt mình là hay “ăn bữa nay lo bữa mai” chứ ít tính đường dài với sử học.
Đâu riêng chuyện sông Tranh, mà có sự kiện tầm vóc lớn của Quảng Nam, ai cắm cờ trên tỉnh đường Quảng Tín vào 24.3.1975, đúng thời khắc nào, lá cờ nào được lưu giữ, vẫn là chuyện gây tranh cãi một thời; cũng không xa lắm trong quãng tái lập tỉnh năm 1997 đến nay mà việc tìm lại các trang hình ảnh hồi ấy để so chiếu với hôm nay e cũng khó do lưu trữ kém.
Rộng ra tầm quốc gia, lại có cả việc “động trời” khi nhìn lại sự kiện ngày 30.4.1975 ai vào Dinh Độc lập trước, xe tăng nào, ai thảo văn bản đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh, rối tinh những câu trả lời làm hậu thế ngơ ngác...
Chính vì thiếu những “sử quan” theo sát sự kiện lịch sử, lưu trữ kịp thời hình ảnh, tài liệu một cách bài bản, nên sau một quãng thời gian lùi xa là màn sương mơ hồ xuất hiện. Di sản ký ức nếu chỉ dựa vào trí nhớ của nhân chứng sẽ rất phi phỏng khi tuổi tác chồng chất thêm gánh nặng.
Có lẽ, ngoài chuyện lo làm ăn, phát triển kinh tế xã hội nên cần tính những việc có ý nghĩa lâu dài cho hậu thế bằng công trình lịch sử, nghiên cứu văn hóa. Chậm còn hơn không! Đừng để như những dòng sông từng đi qua đất này chìm trong lòng hồ mênh mông đâu thấy rõ bến bờ nào lưu dấu phù sa lịch sử đời người!