Đóng tàu cho ngư dân thuê, tại sao không?

TRỊNH DŨNG 05/10/2018 23:10

Việc phân bổ nguồn ngân sách cho các công trình đầu tư lớn nên dành vốn đầu tư đội tàu lớn cho ngư dân thuê, thậm chí cho ngư dân mượn để vươn khơi và tham gia trấn giữ Biển Đông là điều cần thiết. Không cần ngư dân vay đóng tàu mà Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện điều này (theo nhiều phương thức linh hoạt khác). Nếu có bàn tay Nhà nước hỗ trợ là bài toán đạt được nhiều mục tiêu. Báo Quảng Nam đã đặt vấn đề này, trao đổi với lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý, ngân hàng và cả giới đầu tư tài chính để rộng thêm đường dư luận.

Việc xây dựng đội tàu mạnh để vươn khơi là hết sức quan trọng Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Việc xây dựng đội tàu mạnh để vươn khơi là hết sức quan trọng Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Kể từ khi Nghị định 67 ra đời (2014) đến khi thực hiện đã vấp khá nhiều rắc rối. Từ việc ngư dân khó tiếp cận vốn, đến thiết kế con tàu không phù hợp, ngư dân lâm vào nợ xấu và có ngư dân, ngân hàng đã kéo nhau “đáo tụng đình”. Cuộc tranh luận giữa giới ngân hàng, cơ quan quản lý, ngư dân chưa dứt.

Công luận đã từng phân vân vì sao một nghị định mang tính lịch sử vì Chính phủ ban hành nó nhanh nhất, đi vào cuộc sống cụ thể, nhưng lại không thể dễ dàng thực thi trên thực tế. Liệu mục tiêu chính sách vì dân với mong muốn ngư dân có thêm tàu to lưới lớn để vươn khơi, bám biển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ có thể đạt được? Tại sao không nghĩ đến một phương án khác, hiệu quả hơn. Chẳng hạn Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra đóng tàu cho ngư dân thuê (theo đúng tiêu chuẩn của ngư trường mỗi địa phương) và thu nợ, hoàn vốn từ dân sau mỗi chuyến biển…?

Nhiều tàu to đã được đóng theo Nghị định 67.Ảnh: QUANG VIỆT
Nhiều tàu to đã được đóng theo Nghị định 67.Ảnh: QUANG VIỆT

Thực tế cho thấy rằng, ngư dân Việt Nam có thừa tinh thần chiến đấu, tinh thần bám biển rất cao. Nhưng họ đang rất nghèo, thiếu thốn. Họ thiếu đội tàu lớn đánh bắt dài ngày trên biển hơn lúc nào hết. Biển Đông nổi sóng, rất cần nguồn ngân sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn để bám biển dài ngày. Đây cũng là cách khẳng định chủ quyền lãnh hải quốc gia. Có thể sẽ rất nhiều người nhận ra rằng việc có mặt thường xuyên của ngư dân trên vùng biển Tổ quốc cũng là cách khẳng định chủ quyền quốc gia. Vì vậy, việc phân bổ nguồn ngân sách cho các công trình đầu tư lớn nên dành vốn đầu tư đội tàu lớn cho ngư dân thuê, thậm chí cho ngư dân mượn để tham gia trấn giữ Biển Đông là điều cần thiết. Không cần ngư dân vay đóng tàu mà Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện điều này (theo nhiều phương thức linh hoạt khác). Nếu có bàn tay Nhà nước hỗ trợ là bài toán đạt được nhiều mục tiêu. Báo Quảng Nam đã đặt vấn đề này, trao đổi với lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý, ngân hàng và cả giới đầu tư tài chính để rộng thêm đường dư luận.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Nhà nước tạo cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp thực hiện”

Lịch sử từng có một chương trình cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ đã để lại những nợ nần dây dưa. Các quỹ đầu tư, ngân hàng cũng đã gặp khó khăn khi đi thu hồi nợ chương trình này. Một lần nữa, Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu để vươn khơi đánh bắt. Chương trình này không chỉ để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ mà còn góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Nhưng dường như qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, vẫn chưa giải quyết được tận cái gốc của vấn đề. Lý do nguồn vốn cho vay khá lớn, ngư dân không có nhiều kinh nghiệm khi đánh bắt trên những phương tiện hiện đại, yêu cầu kỹ thuật, tính chuyên nghiệp và đánh cá phải chấp hành những quy định nghiêm ngặt hơn… Ngư dân chưa quen điều mới mẻ này nên không thể thích nghi ngay. Chưa kể đến thuyền trưởng, bạn tàu… muốn bảo đảm yêu cầu vận hành của con tàu này cũng không hề đơn giản.

Các cơ quan quản lý Trung ương cũng nghiên cứu đề xuất một số mẫu thiết kế tàu. Các địa phương tự vận dụng theo các mẫu thiết kế đó đi thuê đơn vị thiết kế và đơn vị đóng tàu. Nhưng khổ nỗi, ở mỗi vùng miền, mỗi địa bàn có phong tục tập quán đánh bắt khác nhau nên khi về đánh bắt không được thì phải chuyển đổi. Tất nhiên, công năng của một con tàu chuyển đổi không thể bằng một con tàu đóng theo thiết kế hoàn chỉnh ban đầu. Còn nghĩa vụ trả nợ cũng lắm vấn đề. Nếu như đánh cá trúng thì việc trả nợ thuận lợi. Nhưng nếu gặp thiên tai, địch họa hoặc mất mùa… thì việc trả nợ sẽ khó khăn.

Nếu có thể được thì Chính phủ nên nghiên cứu mở ra nhiều kênh khác để tạo cơ chế linh hoạt hơn. Tại sao những nước khác có cả một đội tàu đánh bắt lớn, thực hiện chu trình khép kín, từ đánh bắt, thu mua, chế biến ngay trên biển, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm thiểu hao hụt, không phải đợi đến khi vào đất liền, mà mình lại không thể?

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, nếu tất cả tàu hiện có của ngư dân thực hiện từ chính sách vay vốn của Nhà nước, thấy có nguy cơ khó quản lý, vận hành, khó có khả năng trả nợ, thì Nhà nước cho phép những doanh nghiệp chuyên nghiệp trong lĩnh vực đánh bắt, chế biến thủy sản (kể cả nước ngoài) mua lại. Doanh nghiệp sẽ trả lại tiền cho ngư dân hoàn trả tiền vay. Sau đó, doanh nghiệp sẽ đưa những ngư dân ấy trở thành công nhân làm thuê cho họ hoặc theo nhiều hình thức khác. Chẳng hạn ăn chia theo sản lượng, chi trả lương như công nhân hoặc cơ chế thỏa thuận khác theo sự linh hoạt giữa hai phía và giải quyết vấn đề đánh bắt, thu mua, chế biến, đầu ra khép kín. Khi đó ngư dân không phải làm ông chủ mà gánh trên vai một gánh nợ. Nhà nước cũng đỡ phập phồng. Còn theo kiểu này (kể cả thuê tàu) ngư dân và Nhà nước sẽ không còn lo lắng, nhưng vẫn bảo đảm sinh kế, bảo đảm tỷ lệ ăn chia với nguồn thu hợp lý.

Đóng tàu cho ngư dân thuê là phương án cần cân nhắc. Ảnh: QUANG VIỆT
Đóng tàu cho ngư dân thuê là phương án cần cân nhắc. Ảnh: QUANG VIỆT

Đó là một cách xã hội hóa hay nhất, hiệu quả nhất. Tất nhiên trong quá trình đánh bắt, buộc doanh nghiệp chấp hành các quy định luật đánh cá, hướng dẫn ngư dân trong đánh cá có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chấp hành các quy định của Nhà nước. Hiện vẫn vận động ngư dân vào các đội sản xuất trên biển, nhưng thực tế hoạt động của từng chủ tàu đơn lẻ rất khó, thiếu chặt chẽ vì mỗi người đi mỗi nơi khi gặp mưa bão, việc cứu hộ, cứu nạn sẽ khó khăn. Song nỗ lực ấy cũng không đáng kể và không chuyên nghiệp. Không thể kiểm soát đánh bắt đúng quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam. Nếu tình trạng này tiếp diễn rất khó để kiểm soát. Nhưng nếu dưới hình thức của một  tổ chức của một doanh nghiệp, họ có thể đầu tư về công nghệ, trang thiết bị kiểm soát và đánh bắt. Nếu ngư dân (người thuê) đánh bắt không đúng với điều lệ quy định doanh nghiệp ban hành thì anh sẽ bị xử phạt, điều chỉnh lại tỷ lệ ăn chia hoặc không cho thuê tàu nữa sẽ dễ dàng kiểm soát hơn.

Chương trình đánh bắt xa bờ gần 20 năm trước đã bị vấp rồi. Nhưng chương trình bây giờ vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Nếu như cứ bổn cũ soạn lại, rất khó để thành công mà phải nghĩ đến chuyện chính quy hơn, khoa học hơn dưới hình thức các doanh nghiệp đóng tàu, tổ chức đánh bắt cho người dân tham gia hoặc cho thuê. Nhà nước không thể tự đóng tàu cho ngư dân thuê được. Nhưng Nhà nước có thể đứng ra ban hành các quy định, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp chuyên nghiệp về đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản có cơ hội tham gia. Cũng như chính sách về xây dựng, cải tạo chung cư cũ đang được thực thi. Doanh nghiệp nào đáp ứng nhu cầu thì thỏa thuận với những người sử dụng chung cư cũ để xây lại chung cư mới, phân chia quyền lợi thì việc đóng tàu cho ngư dân thuê hoặc mua lại cũng tương đồng, có đủ khả năng để hiện thực hóa.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam: “Cần thiết nhưng khó khả thi”

Đề án đóng tàu cho ngư dân thuê thực sự mang tầm vĩ mô. Bộ NN&PTNT cũng có đề án trình Chính phủ, nhưng phương án đó không được duyệt và không khả thi bởi một lý do là trong nền kinh tế thị trường và cách quản lý như hiện nay cần phải có người làm chủ phương tiện mới hình thành nên cái gốc làm ăn, quản trị, tổ chức sản xuất có tầm. Nghị định 67 là một trong những bước đầu tạo điều kiện cho các chủ tàu, ngư dân, thuyền trưởng, máy trưởng tiến đến tầm có trình độ quản trị, trình độ tổ chức sản xuất, phối hợp và tính toán hiệu quả kinh tế, xóa đi cách làm ăn truyền thống “chim trời cá nước” đầy tính may rủi.

Đóng tàu cho ngư dân thuê là một ý tưởng tốt, hay, một bài toán cần suy nghĩ, cân nhắc trong việc linh hoạt tìm mọi cách để tạo điều kiện cho ngư dân. Nhưng câu hỏi đặt ra: Ai là người đóng? Hiện không dễ để doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra đóng tàu cho thuê khi thiếu các cơ chế. Còn Nhà nước không thể chung chung mà phải hạch toán trên nền tảng có chủ là một doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, mà để làm việc này hiện nay là điều cực kỳ khó. Còn Nhà nước bỏ tiền ra đóng và cho thuê, lại càng khó hơn. Nó phụ thuộc, liên quan đến việc quản lý, theo dõi, kiểm tra. Thực sự vấn đề này khó khả thi vì ai sẽ đứng ra làm trụ cột cho ngư dân thuê. Nhà nước cũng có tiền đó, nhưng quản lý Nhà nước chỉ thông qua hỗ trợ cơ chế về lãi vay.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng đội tàu khai thác viễn dương. Đề án này chính thức giao cho các doanh nghiệp trụ cột đứng ra tổ chức tàu để đánh bắt viễn dương, nên ý tưởng trên cũng chính là một trong những nội dung đề án đã có. Theo đề án này, đội tàu này sẽ được hợp tác với các nước láng giềng để khai thác nguồn lợi theo hiệp ước mỗi bên ký kết. Thực tế, số lượng tàu thuyền hiện tại của địa phương hay quốc gia đã đến ngưỡng (nghĩa là đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản với số lượng tàu như hiện nay là vừa) để còn khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngày 1.1.2019, Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực. UBND các tỉnh sẽ quản lý hạn ngạch đánh bắt, sẽ quản lý số lượng tàu khai thác ở các vùng biển theo trữ lượng cho phép hàng năm. Nếu số lượng tàu thuyền đã đạt ngưỡng thì không phát triển nữa. Chỉ có thể thay thế. Một là nâng cấp, cải hoán tàu hiện tại để bảo đảm an toàn. Hai là phải hủy một chiếc thì mới đóng mới thêm một chiếc nếu kiểm định không cho phép tàu quá cũ, không thể bảo đảm an toàn hoạt động.

Nghị định 17/2017 kế thừa Nghị định 67, chuyển hỗ trợ lãi suất sang hỗ trợ một lần vốn sau đầu tư (khoảng 35% giá trị con tàu). Chuyện vay thì ngư dân và ngân hàng phải gặp nhau, thỏa thuận. Chính sách này đến 31.12.2018 là hết hạn. Có thể nói, nhờ Nghị định 67, Quảng Nam đã có một đội tàu công suất lớn, hiện đại (khoảng 65 tàu, trong đó có 36 tàu vỏ thép và 2 tàu composite). Sản lượng mỗi năm tăng thêm. Mỗi tàu cung ứng bình quân hơn 100 tấn thủy sản/năm.

Việc đóng tàu cho ngư dân thuê cũng là điều cần thiết. Nhưng hiện bức thiết hơn là muốn tạo ra hiệu quả kinh tế, tạo cột mốc sống với lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên Biển Đông theo các con tàu, chính là bài toán tìm các nguồn lực phát triển hạ tầng nghề cá đồng thời tìm được thế hệ con người đảm đương việc đánh bắt. Bởi bây giờ lực lượng ngư dân cũng chỉ là lực lượng truyền thống chuyển qua chứ chưa phải tinh nhuệ, được đào tạo qua trường lớp. Mong muốn có được đội ngũ thuyền viên được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, xác lập đi biển cũng là một nghề mang đầy tính kỹ thuật hiện đại và khai thác có trách nhiệm, hiểu biết về đại dương, sinh thái, không khai thác tận diệt. Tức cần có người có tri thức, ý thức về nghề cá, không có nhiều người trẻ thờ ơ với ngư nghiệp như hiện nay. Đó mới là điều quan trọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước  chi nhánh Quảng Nam: “Các tổ chức tài chính Nhà nước có thể đóng tàu cho ngư dân thuê”

Nghị định 67 đã thực sự đi vào cuộc sống. Hiện có 65 con tàu công suất lớn được đóng mới với tổng số tiền giải ngân hơn 719 tỷ đồng, dư nợ ước đến cuối tháng 8 hơn 693 tỷ đồng. Song, nợ xấu của chương trình đang có xu hướng gia tăng do nhiều chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Đến nay đã phát sinh 16 khoản vay bị chuyển nợ xấu với số tiền hơn 183 tỷ đồng, chiếm 26,7% nợ xấu toàn địa bàn.

Không khó để lý giải về tình trạng này. Có thể, sự thất bại của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 mang nặng tính hành chính bao cấp, cho vay theo kế hoạch Nhà nước, theo chính quyền địa phương chỉ định, ngân hàng buộc phải giải ngân mà không có quyền gì, đã để lại hệ quả nặng nề đến 60% nợ xấu, nợ đọng, nợ tổn thất không thể thu hồi được… khiến các ngân hàng dù đăng ký vẫn cứ phân vân thẩm định phương án sản xuất kỹ trước khi quyết định ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân. Hiện tại theo Nghị định 67, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi suất cho ngư dân đóng mới tàu, có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả gốc, lãi đúng hạn cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng.

Như vậy, rất rõ ràng, đây là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, chứ không phải của Nhà nước, vay phải hoàn trả nợ và gốc đầy đủ. Ngân hàng đưa ra lượng vốn lớn để đầu tư dự án nên thận trọng, cần phải có thời gian để thẩm định các yếu tố cần thiết và thực hiện các bước theo đúng quy trình của ngành trước khi ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho khách hàng. Các ngân hàng thương mại cũng đang cân nhắc, bởi khi quyết định cho vay, hợp đồng tín dụng phải được ký kết trên nguyên tắc sản xuất hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của ngư dân. Nhưng hiện tại, việc xác định khả năng trả nợ của ngư dân rất khó vì doanh thu từ đánh bắt hải sản phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, sản lượng, tiêu thụ sản phẩm… Như vậy, tài sản đảm bảo cho món vay khá thấp, chỉ chiếm từ 5% đến 30% giá trị món vay. Đây cũng là yếu tố mà ngư dân dễ có tâm lý chủ quan trong việc trả nợ ngân hàng.

Việc đóng tàu cho ngư dân thuê là chuyện đáng để bàn. Tại sao không nghĩ đến việc sử dụng vốn của Ngân hàng Chính sách - xã hội, của Ngân hàng Phát triển hay Quỹ đầu tư để đóng vài con tàu thí điểm cho ngư dân thuê. Bởi các ngân hàng hay quỹ này cũng đã từng đầu tư tài chính vào các dự án để sinh lời? Nếu các tổ chức này không thể thực hiện vì sợ rủi ro hay gì đó thì cũng không thể và không nên trách các ngân hàng thương mại khi họ không dễ dàng đẩy tín dụng theo nghị định này ra theo nhưng mong muốn của các cơ quan quản lý và của ngư dân!

Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam: “Doanh nghiệp luôn tính hiệu quả đầu tư là trên hết”

Từ nguồn vốn nhận ủy thác từ Quỹ hỗ trợ ngư dân, Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam đã cho vay đóng mới lũy kế đến nay được 56 tàu (lãi suất 0%) với tổng tiền giải ngân 76,796 tỷ đồng. Số hợp đồng vay còn hiệu lực là 41 hợp đồng với tổng dư nợ hiện tại 34,54 tỷ đồng và đã có 51 tàu hoàn thành hạ thủy, vươn khơi đánh bắt xa bờ.

Quỹ hỗ trợ ngư dân vẫn cho ngư dân vay riêng để đóng tàu theo Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Nam. Và đóng rất nhiều. Có liên quan gì đâu. Vì họ đóng tàu phù hợp với túi tiền và phù hợp với khả năng khai thác. Chứ người ta không đóng theo trào lưu để có một con tàu mười mấy tỷ đồng rồi không có người lao động, không thể sản xuất được. Và đã gọi là tiền vay thì phải khẳng định với nhau là bất cứ anh làm cái gì thì vay phải trả nợ, phải tính toán hiệu quả khả năng kinh tế. Còn hỗ trợ là kênh khác chứ không nên lồng ghép vào để ngư dân cứ nghĩ là cho không!

Có thể nói, bất cứ ngư dân nào đóng tàu (400 CV) từ vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân đều hiệu quả trên cơ sở thẩm định dự án chính xác. Còn đóng tàu cho ngư dân thuê là một mô hình mới, chỉ có doanh nghiệp đứng ra làm chứ Nhà nước thì không thể. Mà doanh nghiệp đứng ra làm thì hiệu quả kinh tế là trên hết. Không giống như việc Nhà nước cho thuê các định chế tài chính như nhà xưởng, đất đai, trụ sở… vì tất cả tài sản đó là công sản cố định. Còn con tàu dạt trôi trên biển thì ai quản lý. Nhà nước không thể “đẻ” thêm ra bộ máy để quản lý. Chỉ có doanh nghiệp đứng ra làm mới cụ thể thôi.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đóng tàu cho ngư dân thuê, tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO