Ước mong được đóng tàu vỏ thép ở Quảng Nam của ngư dân đã trở thành hiện thực khi mới đây Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước tổ chức lễ khánh thành nhà máy đóng tàu và công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận cơ sở đóng tàu vỏ thép đầu tiên hoạt động tại Quảng Nam, thuộc thôn Đông Xuân (xã Tam Giang, Núi Thành).
Khắc phục những bất cập
Ông Phan Bá Tầm (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) là ngư dân đầu tiên ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép với Công ty Thiên Hậu Phước. Đó là con tàu có công suất 829CV, hành nghề chụp mực. Dự kiến tàu cá này có tổng giá trị là 18 tỷ đồng, Agribank Quảng Nam cho vay vốn ưu đãi lên đến 95% giá trị, còn lại là vốn đối ứng của ngư dân. Đến thời điểm này, phần vỏ của con tàu đang được thi công, tàu dài hơn 20m. “Ở quê tôi có 2 ngư dân là Phạm Việt, Huỳnh Ngọc Huệ đều đã đóng được tàu vỏ thép và vươn khơi sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Họ đã phải rất vất vả, anh Huệ đóng tàu ở TP.Hải Phòng, còn anh Việt đóng tàu ở TP.Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ mình may mắn hơn vì là ngư dân đầu tiên của tỉnh được đóng tàu vỏ thép ở ngay chính quê hương mình” - ông Tầm nói. Thuận lợi của ông Tầm là không phải đi đến tỉnh, thành khác trong quá trình đóng tàu, đỡ tốn kém nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Trong khi đó, ông thường xuyên có mặt ở cơ sở đóng tàu để có thể yêu cầu điều chỉnh các bộ phận thiết kế không ưng ý. “Trong thời gian đóng tàu vỏ thép, tôi có thể ra khơi sản xuất nếu nhận thấy quá trình đóng tàu thuận tiện, đúng ý mình” - ông nói.
Ngư dân Phan Bá Tầm bên con tàu vỏ thép đang được thi công. Ảnh: Đ.C |
Trước đây, các chủ tàu vỏ thép của tỉnh phải đóng phương tiện ở các tỉnh, thành khác lo ngại sẽ phải đưa tàu đi khoảng đường quá xa để sửa chữa một số bộ phận, thiết bị gặp trục trặc trong quá trình sản xuất. Việc định kỳ bảo hành, bảo trì, gia cố tàu vỏ thép cũng phải được tiến hành ở địa phương khác, rất trắc trở. Giờ đây, nếu đóng tàu tại Quảng Nam, những bất tiện này được khắc phục. Theo ông Tầm, bản thân rất tin tưởng vào quyết định lựa chọn đóng tàu vỏ thép ở Công ty Thiên Hậu Phước vì cơ sở này sẽ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của ông. “Con tàu có giá trị đến 18 tỷ đồng, sẽ rất hiện đại. Tôi tin rằng mình sẽ yêu cầu được công ty này loại bỏ các khiếm khuyết trên một số tàu cá vỏ thép mắc phải trong thời gian qua. Tôi quen biết với nhiều kỹ sư đóng tàu ở đây nên tin tưởng mọi trao đổi sẽ dễ dàng và đúng ý mình” - ông Tầm nói.
Yêu cầu về chất lượng
Nhà máy đóng tàu vỏ thép của Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước có diện tích khoảng 2,5ha. Theo ông Lê Phước Minh Trí, mỗi năm, nhà máy có thể đóng và sửa chữa được 214 chiếc. Tổng vốn đầu tư cho dự án nhà máy đóng tàu là 35 tỷ đồng; đã triển khai giai đoạn 1 là 10 tỷ đồng, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư từ nay và dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Ông Trí cho rằng, công ty đang tập trung tối đa nguồn lực để có thể đầu tư sản xuất bằng các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, qua đó dự kiến đến năm 2017 sẽ đóng được tàu vỏ thép có trọng tải 3 nghìn tấn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phước Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Hậu Phước cho rằng, sau nhiều lần khảo sát thực địa tại các tỉnh, thành thuộc dải duyên hải miền Trung, công ty đã quyết định lựa chọn, xin phép UBND tỉnh đầu tư tại khu vực thôn Đông Xuân (xã Tam Giang, Núi Thành). Địa điểm này có vị trí cảng nước sâu thuộc sông Trường Giang, rất thuận tiện cho các tàu công suất lớn lại qua, cập cảng. Ông Trí nói: “Là cơ sở đóng tàu vỏ thép có công suất lớn đầu tiên của Quảng Nam nên chúng tôi quyết tâm và kỳ vọng sẽ đóng được những con tàu có chất lượng tốt nhất cho ngư dân”. Theo ông Trí, hầu hết đội ngũ kỹ sư, công nhân của công ty đều đã được đào tạo tại các quốc gia có trình độ đóng tàu vỏ thép cao như Hà Lan, Hàn Quốc. Họ đã được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế và đã có kinh nghiệm hoạt động không dưới 5 năm tại các công ty đóng tàu uy tín như Sông Thu (Bộ Quốc phòng), Hyundai Vinashin.
Triển khai Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Quảng Nam được Trung ương phân cấp đóng mới 92 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, trong số đó có đến 57 tàu vỏ thép. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, hoạt động của Công ty Thiên Hậu Phước đem lại nhiều cơ hội cho tỉnh cũng như ngư dân. Theo đó, năng lực khai thác hải sản của tỉnh sẽ được tăng lên; đội tàu của ngư dân Quảng Nam hoạt động trên các vùng biển xa của Tổ quốc sẽ nhiều hơn. Để đóng được các con tàu vỏ thép chất lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu Công ty Thiên Hậu Phước cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện sản xuất theo quy định của Nhà nước trong hoạt động đóng mới, sửa chữa, cải hoán nâng cấp tàu vỏ thép. UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN&PTNT và huyện Núi Thành cần phối hợp chặt chẽ để theo dõi, hướng dẫn, giám sát việc thực thi các chính sách của Nhà nước đối với Công ty Thiên Hậu Phước, đảm bảo đóng được những con tàu vỏ thép thật sự chất lượng.
ĐĂNG CAO