(QNO) - Khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển (xã Bình Trị, Thăng Bình) đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng” rừng tự nhiên. Các khoảnh rừng phòng hộ hiếm hoi còn sót lại đang bị triệt hạ để lấy đất trồng keo.
Mở đường, cát cứ rừng
Qua vài con dốc dựng đứng phải đi bộ, người dân ở thôn 6, xã Tiên Sơn (Tiên Phước) chở tôi bằng xe máy đến tận núi Dương Đất Bắc thuộc xã Bình Trị (Thăng Bình). Một quả đồi rộng lớn, lồng lộng gió bởi chung quanh gần như không có cây rừng, chỉ còn hơn chục cây sao đen trồng rải rác. Dương Đất Bắc (xã Bình Trị) không khác gì một cao nguyên bao la, dưới đất những cây keo non vừa trồng, rồi có khoảnh trồng gừng, nghệ. Nhìn vào khu vực canh tác này, thật khó tin nổi nơi đây được quy hoạch đất rừng với chức năng phòng hộ.
Ông Lê Văn Xuân, người dân thôn 3, xã Tiên Sơn (Tiên Phước) cho biết, từ năm 1997, vợ chồng ông đã lên khai hoang ở khu vực núi Dương Đất Bắc để thâm canh chuối, nghệ, gừng, sắn, rồi về sau trồng keo. Năm 2012, lực lượng liên ngành của huyện Thăng Bình (gồm Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, Phòng TN&MT, UBND xã Bình Trị) đã đến đo rẫy của gia đình với diện tích khoảng 2,2ha.
“Tuy nhiên, đến năm 2016, anh em của ông Đoàn Minh Phước (xã Bình Trị) có rẫy bên cạnh đất tôi đang cánh tác vô cớ nói sẽ đòi lại đất cùng rừng keo và hoa màu tôi đã trồng trước đó. Khi chúng tôi đưa xe cơ giới vận chuyển cây trồng lên thì anh em ông Phước cản trở, bị chính quyền lập biên bản xử phạt hành chính, trong khi ông Phước đem máy móc lên đào hào để tự chia ranh giới thì địa phương ngó lơ” – ông Xuân bức xúc.
Ông Lê Văn Xuân, xã Tiên Sơn (Tiên Phước) nói về diện tích đất rừng đang canh tác của mình bị xâm lấn.
Một hộ dân khác là ông Cao Thanh Hồ thôn 6 (xã Tiên Sơn) cho hay, gia đình ông đã khai thác được 2 lứa keo trong diện tích 3ha tại Dương Đất Bắc. “Khu vực này, trước nay bà con 2 xã Bình Trị và Tiên Sơn canh tác bình thường, có lấn qua lại vì vùng giáp ranh không xác định cụ thể của địa bàn nào. Đất tôi đang sản xuất, chưa có quyết định thu hồi của nhà nước nhưng ông Đoàn Minh Phước tự đem xe cơ giới lên xâm lấn, múc vào ranh giới của tôi” – ông Hồ nói.
Theo người dân địa phương, tranh chấp đất rừng tại khu vực giáp ranh giữa xã Bình Trị với xã Tiên Sơn dai dẳng hơn 10 năm nay. Hiện trường tại núi Dương Đất Bắc cho thấy, các đối tượng tùy tiện mở đường xẻ dọc núi và tự ủi đường tạo thành rãnh hố sâu kéo dài cả 100m để “cát cứ”.
Tan nát rừng xanh
Lần theo con đường ngang nhiên mở toang giữa lưng chừng núi, chúng tôi tiến sâu vào khoảng rừng ở khu vực Hố Hầm (xã Bình Trị). Trên ngọn núi cao nhất của đất Bình Trị, xa xa nhìn thấy các mái nhà san sát ở trung tâm xã Bình Trị và sát bên là hồ thủy thủy lợi Đông Tiển. Khác hẳn với khu vực Dương Đất Bắc hầu như không còn hiện trạng rừng, thì tại Hố Hầm đan xen trong phần đất vừa trồng keo là rừng cây nguyên sinh với ngổn ngang gốc rễ, gỗ vừa bị đốt cháy đen sì.
Một cảnh tượng tan hoang như vừa xảy ra. Bên cạnh cây nhỏ bị đốn hạ và hầu hết đều bị cháy xém, thì hiện trường có la liệt nhiều khúc gỗ tròn với đường kính khá lớn, nhiều gốc cây ôm một vòng tay không xuể, nhiều gốc cây mới đốn hạ còn tươm nhựa đỏ.
Người dân địa phương tiết lộ, sau khi cưa cây rừng đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển, lâm tặc được thuê chọn đưa ra ngoài một ít, còn lại cành nhánh, gỗ nhỏ, gốc rễ đốt cháy để phi tang hiện trường. Khu vực nào dọn xong là trồng keo ngay; thậm chí trồng rừng giữa khoảnh đất ngổn ngang rừng chết.
Thủ đoạn lâm tặc xâm hại đất rừng nơi đây là không khai thác quy mô một chỗ, mà tận diệt kiểu rải rác nhiều nơi, đốt cháy rừng lấy diện tích trồng keo để che mắt lực lượng chức năng. Khu rừng tự nhiên hiếm hoi ở Hố Hầm đã bị triệt hạ nhiều vị trí, có nơi quy mô bằng một sân bóng đá mi ni. Những gì mà chúng tôi chứng kiến cho thấy các đối tượng hủy hoại rừng chỉ cách đây hơn một tuần.
Nhìn rừng đầu nguồn la liệt cây gỗ cháy đen nằm trên đầu hồ chứa nước Đông Tiển, có thể hiểu nguyên nhân vì sao hàng trăm héc ta lúa, hoa màu phía hạ lưu bỏ hoang vì thiếu nước mùa khô!
Hiện trường xâm hại rừng đầu nguồn trái phép tại xã Bình Trị. Ảnh: H.P
Kiểm lâm và chính quyền bất lực?
Chủ tịch UBND xã Bình Trị Lê Viết Mãnh cho biết, địa phương vừa xử phạt hành chính 1 trường hợp ở xã Tiên Sơn đem xe cơ giới lên san ủi mặt bằng để sản xuất. Về đối tượng tự tiện mở đường, tạo rãnh sâu để chia cắt ranh giới, hay tận thu rừng phòng hộ ở khu vực Hố Hầm, đại diện lãnh đạo xã Bình Trị khẳng định chưa nắm được thông tin.
Hồ sơ của xã Bình Trị thể hiện: trước đây UBND huyện Thăng Bình ra Quyết định số 138 cấp 20ha đất phát triển trang trại cho ông Đoàn Công Trình (đã chết) – là cha ruột của ông Đoàn Minh Phước. Tuy nhiên, qua đo đạc thực tế, diện tích mà ông Phước sử dụng lấn chiếm đã tăng gấp đôi. Do vị trí cấp đất trang trại trước đây không rõ ràng tứ cạnh, nên hộ ông Đoàn Minh Phước lợi dụng mở rộng diện tích lấn chiếm.
“Tại địa bàn Bình Trị, hầu hết người dân đều lấn chiếm đất rừng để trồng keo; còn người dân xã Tiên Sơn trồng keo đến nay khai thác 3-4 lần, từ trước đến nay không xử lý. Địa phương cho phép dân khai thác keo, nhưng không được đưa xe cơ giới vào rừng phòng hộ. Từ khi tôi lên làm Chủ tịch UBND xã năm 2015 đến bây giờ chỉ duy nhất một hộ ông Lê Văn Xuân là mấy lần thu phí lâm sản theo nghị quyết HĐND (mỗi tấn keo khai thác thì nộp 10 nghìn đồng). Các trường hợp khác không thu do họ không báo chính quyền và vì địa chính chưa xác định được ranh giới Bình Trị hay Tiên Sơn” – ông Mãnh nói.
Ông Nguyễn Trường Hải – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, Quyết định số 120 về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ - phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 với ranh giới hành chính có sự chênh lệch về tọa độ. Phòng Nội vụ huyện Thăng Bình đang rà soát lại ranh giới diện tích giữa các xã. Cái khó là người dân đã canh tác trong thời gian khá lâu. Qua thống kê, dân Tiên Sơn lấn chiếm qua đất xã Bình Phú đến 13,4ha.
Cũng theo đại diện Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, đơn vị sẽ chỉ đạo kiểm lâm địa bàn kiểm tra lại thông tin mở đường, đào khoét ranh giới, đốt phá rừng tự nhiên ở Bình Trị. "Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp quy định, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp thuộc về UBND xã. 15 năm nay tình trạng xâm canh của người dân ở vùng giáp ranh các xã rất khó xử lý. Hiện nay, huyện đang có đề án làm điểm ranh giới mềm giữa rừng tự nhiên và rừng trồng" - ông Hải nói.
Đầu tháng 8.2021, UBND huyện Thăng Bình có kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn năm 2021-2022. Trong đó, tại xã Bình Trị, địa bàn trọng điểm cần chuyển hóa được xác định là Tiểu khu 484 với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, đối tượng là hộ ông Đoàn Minh Phước (xã Bình Trị).
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam Nguyễn Trường Hải nói về thực trạng lấn chiếm đất rừng ở Bình Trị.
Ông Nguyễn Trường Hải – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho rằng, theo Quyết định số 120 về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ - phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020, tổng diện tích rừng tự nhiên của Thăng Bình hơn 808ha, chủ yếu nằm ở 3 xã Bình Trị, Bình Phú và Bình Lãnh.
Trong đó, Bình Phú 597,9ha, Bình Trị 192,2ha và Bình Lãnh 18,6ha. Tuy nhiên, theo ông Hải, bây giờ không thể xác định được hiện trạng thực tế rừng tự nhiên bởi chúng ta quy hoạch chức năng rừng phòng hộ nhưng có rừng trồng. Thậm chí diện tích rừng tự nhiên bị xâm canh trái phép tại xã Bình Trị vẫn chưa có con số cụ thể.