Tình trạng săn bắn và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) đang diễn biến rất tinh vi và phức tạp trên toàn cầu.
Tình trạng săn bắn, buôn bán ĐVHD trái phép trên thế giới đã đến mức báo động, đã và đang có nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng một số loài động vật quý hiếm. Thống kê cho thấy, lợi nhuận đem về hằng năm từ các hoạt động trái phép này lên tới hàng chục tỷ USD, chỉ đứng sau lợi nhuận từ tội phạm buôn bán ma túy và vũ khí.
công dân toàn cầu phải có trách nhiệm bảo vệ các loài động vật hoang dã. Ảnh: wildlife-indian |
Chỉ trong vòng 10 năm, 62% bầy voi châu Phi đã bị giết. Tính riêng trong năm ngoái, ở Nam Phi đã có 1.000 con tê giác bị giết, trong khi năm 2007 chỉ có 13 con. Số lượng hổ sống hoang dã tại châu Á đã giảm từ 100 nghìn con xuống còn 3.200 con trong vòng 100 năm qua. Tệ nạn buôn lậu được kích thích bởi nhu cầu tiêu thụ lớn ở châu Á. Tại khu vực này, cao xương hổ và sừng tê giác vẫn được coi là thần dược (dù các nhà khoa học khẳng định không đúng) và những sản phẩm chế tác từ ngà voi vẫn được xem như món hàng quý hiếm để khoe sự giàu sang… Theo ước tính, nạn buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác, hổ, đã mang lại lợi nhuận “đen” khoảng 19 tỷ USD/năm cho các tổ chức tội phạm.
Tại kỳ họp 68 (ngày 20.12.2013) của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, các đại biểu nhất trí chọn ngày ngày 3.3 hằng năm, ngày thông qua Công ước về buôn bán quốc tế các loài ĐVHD (CITES) là Ngày ĐVHD thế giới. Mục đích là để nhắc nhở con người nhớ đến sự đa dạng của ĐVHD và tình trạng tồi tệ hiện nay nhằm nâng cao nhận thức cũng như đồng tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD, đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội toàn cầu, đem lại sự sống cho hành tinh. |
“Nhân loại không thể được gọi là nhân loại nếu thiếu đi phần còn lại của tạo hóa”. Đó là lời phát biểu của thái tử Charles (Anh) tại hội nghị quốc tế về ĐVHD, quy mô lớn chưa từng có vừa được tổ chức tại thủ đô Luân Đôn (Anh). Các nguyên thủ, lãnh đạo chính phủ, các quan chức cấp cao đến từ hơn 50 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với tệ nạn tàn sát và buôn bán động vật quý hiếm như voi, tê giác, hổ trên thế giới. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố London” về chống buôn bán trái phép ĐVHD, đồng thời thống nhất tăng cường những biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm ngăn chặn vấn nạn này trên phạm vi toàn cầu. Nhiều giải pháp quan trọng như xóa bỏ thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD, tăng cường hiệu quả của hệ thống pháp luật ở các quốc gia, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu lên sự cần thiết phải sửa đổi luật pháp để xác định hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD là “một loại tội phạm nghiêm trọng” xét theo các điều khoản của Công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia…
Ngày 3.3.2014 là năm đầu tiên Ngày ĐVHD thế giới được tổ chức.
KIM OANH