Từ mùng 1 tới mùng 6 Tết Kỷ Hợi, không gian phố cổ Hội An đông đúc khách thập phương du xuân, trẩy hội...
Khách Việt tham quan lưu trú Hội An tăng đột biến dịp tết. |
Quá tải
Xuân năm nay, Hội An chào đón du khách bằng hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí như phục dựng cây nêu, gióng chuông, chiêng, trống... tại các đình, chùa, hội quán, trường học; đua ghe đảo thủy ngày xuân, giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng, lễ hội cầu bông Trà Quế, thi đấu cờ tướng; nghệ thuật sắp đặt đèn lồng cùng các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian hô hát bài chòi… Các cơ sở dịch vụ, điểm tham quan như quảng trường, chùa Cầu, văn miếu, rừng dừa, làng rau Trà Quế, khu vực chùa Ông, chùa Bà, chùa Phúc Kiến… mở cửa đón khách vào khung giờ nhất định. Với khách du lịch ngoại quốc, trải nghiệm Hội An dịp tết rất đặc biệt, nhất là vẻ lung linh, huyền bí của phố vào đêm với đèn lồng. Adam, 23 tuổi, người Scotland sống và làm việc ở Hà Nội cho biết, anh cùng bố mẹ đến Hội An từ mùng 3 tết đến nay, sau 7 ngày lưu trú ở Hội An, họ sẽ qua Campuchia và tiếp tục quay lại Hội An. “Người Hội An nhẹ nhàng, thân thiện với khách. Phố cổ rất tuyệt, đặc biệt là khắp con phố, ngõ hẻm, nơi đâu cũng toàn đèn lồng” - Adam bộc bạch.
Ban đêm, từ mùng 1 tới mùng 6 tết, các con phố Hội An chật kín người tản bộ, ngắm phố, mua sắm và trải nghiệm ẩm thực truyền thống, ẩm thực đường phố với cao lầu, bánh tráng đập, chè bắp, hến xào, bắp nướng, kem ống, bánh tôm, bánh Thái… Các gian bày bán sản phẩm du lịch tại đường Trần Quý Cáp và khu phố chợ đêm Hội An cũng là không gian trải nghiệm mua sắm và chụp ảnh. Lượng khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Tây Âu vẫn chiếm tỷ lệ nhất định song chủ yếu vẫn là khách du lịch nội địa du xuân phố cổ.
Trong 3 ngày tết, từ 20 giờ đêm trở đi, nhiều du khách phải mất thời gian chờ taxi, xe điện, xích lô. Một phần vì dịch vụ vận tải hoạt động hết công suất đón trả khách, một phần các tuyến đường chính của phố cổ ken kín người và xe khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Nhiều taxi không thể vào các điểm phố để đưa đón hay trả khách trong những giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe diễn ra cục bộ ở một số nơi. Trong khi nhiều gánh hàng rong bán thực phẩm, đồ ăn uống, hoa quả cho tới các cửa hàng dịch vụ ăn uống và dịch vụ vận tải, đưa đón khách ở phố cổ ăn nên làm ra thì tại nhiều quầy bán hàng lưu niệm, nhiều tiểu thương cho rằng, sức mua vẫn ở mức bình thường, giá bán các mặt hàng lưu niệm có nhỉnh đôi chút so với ngày thường, song không có hiện tượng chặt chém, hét giá.
Theo đại diện Công ty Hương Tràm, đơn vị dịch vụ vận tải đưa đón khách từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm ở phường Cửa Đại, do yêu cầu của khách, các tàu của công ty đã hoạt động từ ngày mùng 1 tết. Tết này, công ty cũng vừa đóng mới một tàu phục vụ khách với trị giá hơn 2 tỷ đồng, nâng số tàu lên 2 chiếc. Tùy theo yêu cầu của khách mà dịch vụ có khác nhau. Với khách đi chơi bình thường không khứ hồi thì mỗi người 170.000 đồng/lượt đi, trong khi phí vé Nhà nước thu 70.000 đồng, còn lại là phí phục vụ; còn với khách bản địa ở Cù Lao Chàm chỉ lấy giá 100.000 đồng. Với những khách yêu cầu khứ hồi, bao trọn gói ăn uống, phí đối với mỗi khách bao gồm cả vé là 500.000 đồng/khách/lượt đi về.
Áp lực và động lực
Theo thống kê của Phòng VH-TT TP.Hội An, chỉ tính riêng từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 tết, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn TP.Hội An đạt hơn 100 nghìn lượt, phần lớn khách quốc tế. Ngược lại, với khách tham quan dù chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính số lượng đã chạm con số khoảng 300 nghìn lượt, phần nhiều là khách nội địa. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay chưa năm nào lượng khách đến Hội An tăng đột biến như mấy ngày tết vừa qua. “Từ 30 tháng Chạp đến mùng 3 tết, hầu hết cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đều kín phòng. Còn tại các tuyến đường thì xe cộ khá nhiều, các lực lượng trật tự, công an giao thông phải thường xuyên túc trực phân luồng liên tục, rồi chưa kể áp lực về môi trường, rác thải quá lớn trong những ngày này” - ông Sơn nói.
Khảo sát sơ bộ tại các khách sạn Hội An cho thấy, tỷ lệ lấp phòng luôn nằm ở con số 90 - 99%, tập trung mạnh nhất vào các ngày mùng 3, 4, 5. Theo ông Phạm Nguyên Vũ - Giám đốc điều hành Khách sạn Coco River Resort & Spa, hơn 80% khách đăng ký lưu trú tại khách sạn những ngày tết là người Việt Nam đi theo nhóm bạn hoặc gia đình dưới 10 người, số ít còn lại là khách châu Âu và Hàn Quốc. “Với Coco River Resort & Spa năm nay khách Việt tăng đột biến, đặc biệt hầu hết đi tự do, tự đăng ký phòng qua mạng chứ không phải qua công ty lữ hành, điều này thật sự khác xa mọi năm” - ông Vũ nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên nhân khách đông là do thời gian nghỉ tết dài ngày nên người dân có điều kiện đi du lịch, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, hấp lực từ thương hiệu du lịch Đà Nẵng, Hội An ngày càng tăng với các dịch vụ ăn ở, mua sắm phong phú. Đặc biệt, sự xuất hiện của các sản phẩm về đêm chất lượng như múa rối nước, công viên ấn tượng, sô diễn “À ố show”, “Ký ức Hội An”… cũng như việc tăng cường nhiều hoạt động văn hóa, giải trí, trò chơi dân gian trong phố cổ những ngày tết… đã dẫn đến sự đột biến trên. “Dù vẫn còn những hạn chế và áp lực cần sớm hoàn thiện, nhưng với việc khách tăng đầu năm là tín hiệu vui để thành phố xây dựng mục tiêu cao hơn, đặc biệt tập trung vào khoảng 40 sự kiện lớn nhỏ sẽ được tổ chức trong năm này. Trong đó, không ít sự kiện mang tầm quốc tế thu hút nhiều nước tham gia như hợp xướng quốc tế, lễ hội ẩm thực quốc tế, festival tơ lụa…” - ông Sơn chia sẻ.
HOÀNG LIÊN - KHÁNH LINH