Chỉ thời gian ngắn mở đợt truy quét cao điểm ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, lực lượng chức năng đã phá hủy nhiều phương tiện, máy móc, đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi “vùng cấm”. Cuộc chiến giữ rừng dịp tết trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Lán trại khai thác vàng trong rừng. |
Đua với thời gian
Gần một tháng qua, lực lượng kiểm tra, truy quét của các địa phương miền núi (gồm các ngành kiểm lâm, công an, tài nguyên môi trường…) luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, có lệnh là xuất quân bất kể giữa đêm khuya. Gần tết, dòng người khắp nơi đổ xô về “thánh địa vàng” trong Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh để “vơ vét” cú chót. Lợi dụng rừng sâu núi thẳm, đối tượng tung nhiều chiêu đòn, thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó cho cơ quan chức năng. Chiến dịch một tuần truy quét (từ ngày 3 - 8.1) trong rừng của lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã phát hiện thêm nhiều địa điểm mới mà “vàng tặc” đã băm nát lòng đất. Biết là sẽ bị phản đòn, bại lộ nếu khai khác ở vị trí cũ nên đối tượng đã mở đường dọc ngang như bàn cờ nhằm đánh lạc hướng kiểm lâm.
Tại khe Ru (thuộc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) trong vòng bán kính chưa đến 100m, đã có đến 7 lán trại khai thác vàng dựng chỏng chơ giữa rừng, huy động 14 máy nổ, hàng chục lít dầu diezen cùng nhiều máy móc, dụng cụ khai thác khác. Kiểm tra các khe Thạnh Mỹ 1, Tà Vạt, Vàng Xanh, khe Đá, bãi 5 tầng thuộc tiểu khu 378, khe 14 (xã Đắc Pring, Nam Giang), lực lượng chức năng phát hiện hơn 20 máy nổ, giàn khoan điện, cối xay đá cùng nhiều vật dụng, lương thực, thực phẩm chứa trong kho phục vụ cho việc khai thác dài ngày. Trong lán trại của công nhân còn được trang bị thiết bị đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như tủ lạnh, quạt… Nhìn vào khu vực mỏ chẳng khác gì hoạt động của một doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép. Nơi nào giới thổ phỉ thăm dò, đào bới, nơi đó để lại hậu quả nặng nề. Gỗ triệt hạ, gỗ khai thác làm lán trại cho công nhân ở nằm la liệt. Để “tăm” vàng, cách duy nhất là mở đường. Đường mở đến đâu rừng bị đốn hạ đến đó. Chung quanh khu vực khai thác vàng, nước thải xả trực tiếp ra những con suối. Nhiều hang hố sau khi khai thác xong trở thành bãi chứa nước thải đặc quánh mùi hóa chất.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, trong các đợt truy quét cận tết thuộc khu bảo tồn, lực lượng chức năng đã đốt phá 79 lán trại, 11 giàn nén hơi, tiêu hủy 54 máy nổ, 7.320 lít dầu diezen và nhiều dụng cụ khai thác vàng trái phép. Trong khi đó, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trong tháng 1.2013, ngành đã phát hiện 57 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu 110m3 gỗ, 6 ô tô, 5 xe máy và phương tiện tham gia vận chuyển gỗ. |
Khó có thể nào thống kê cụ thể mức độ tàn phá tài nguyên thiên nhiên ở Khu BTTN Sông Thanh. Năm này qua tháng nọ, “vàng tặc” luôn bất chấp, thách thức lực lượng chức năng. Họ xem rừng như ngôi nhà sinh sống, như miền đất để hiện thực giấc mộng đổi đời từ vàng.
Chưa có hồi kết
Ông Nguyễn Trí, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, tình hình khai thác vàng trái phép ở khu bảo tồn rất phức tạp, không thể nào ngăn chặn triệt để, nhất là ở các khu vực suối Ring, khe Cọp, khe Lào nằm giáp ranh với các xã Phước Xuân, Phước Đức (Phước Sơn). Các phương tiện, máy móc đưa vào khu vực khai thác vàng từ đường Bơ (thuộc xã Phước Đức, huyện Phước Sơn). “Cái khó ở chỗ khi tổ chức truy quét thì đối tượng đã đưa phương tiện, máy móc qua địa phận xã Phước Xuân và Phước Đức, không thuộc lâm phận do Khu BTTN Sông Thanh quản lý” - ông Trí nói.
Mở đường trái phép trong Khu BTTN sông Thanh. Ảnh: H.P |
Việc “xẻ thịt” rừng, băm nát lòng đất lấy vàng vùng giáp ranh giữa Nam Giang - Phước Sơn, đặc biệt từ địa phận xã Phước Đức vào khu bảo tồn hết sức phức tạp suốt thời gian dài, nhưng chính quyền, ngành chức năng vẫn lực bất tòng tâm. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang cho rằng, trước hết phải xem lại tinh thần trách nhiệm của cán bộ vì không nắm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/2012/CT-UBND ngày 21.8.2012 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng. Không thể viện cớ tài sản máy móc của “vàng tặc” lớn mà khoanh tay đứng nhìn. Bằng mọi cách phải thông báo, di chuyển, đập phá tài sản, thậm chí làm “chết máy” phương tiện trong rừng.
Nhằm làm giảm “làn sóng” phá rừng dịp trước, trong và sau tết, ngành kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt trực thuộc tổ chức truy quét ít nhất 2 lần/tháng ở các “điểm nóng” về khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Xử lý triệt để các hành vi vi phạm và tiêu hủy toàn bộ phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng trái phép. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh quả quyết: “Từ nay trở đi nếu địa phương nào còn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép mà không phát hiện kịp thời, có biện pháp chặn đứng thì thủ trưởng đơn vị kiểm lâm đóng trên địa bàn phải bị xử lý trách nhiệm”.
HỮU PHÚC