Đốt nhiều vàng mã tác động xấu đến môi trường

NAM VIỆT 20/01/2017 10:10

Theo các chuyên gia về sức khỏe và môi trường, tục đốt vàng mã, pháo trong dịp lễ tết có thể gây tác động xấu đến môi trường.

Châu Á hiện là khu vực đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ), cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, một số tục lệ của nhiều quốc gia trong khu vực trong các dịp lễ hội được cho tạo thêm mức độ ô nhiễm không khí. Tục lệ đốt vàng mã, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, tại các ngôi chùa, ngôi mộ là ví dụ.

Một con sông tại Trung Quốc đỏ rực vì đốt giấy cúng cô hồn. Ảnh: Mashable
Một con sông tại Trung Quốc đỏ rực vì đốt giấy cúng cô hồn. Ảnh: Mashable

Trong những năm gần đây, việc lạm dụng quá đà việc đốt vàng mã, đốt pháo không những gây lãng phí kinh tế mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe. Hiệp hội bảo vệ môi trường xanh Malaysia lý giải, ô nhiễm không khí từ việc đốt nhang, đốt pháo và vàng mã đủ loại từ tiền, đồ mã, hình nhân thế mạng, quần áo, nhà lầu, xe hơi cần hạn chế. Bởi những vật này khi bị đốt đi sẽ tạo ra khói bụi kèm theo các hóa chất độc hại cho môi trường, gây tổn hại đường hô hấp khi con người hít phải, thậm chí dẫn đến bệnh ung thư, tử vong. Wong Ruen Yuan - Chủ tịch hiệp hội nêu trên nói: “Tục lệ đốt vàng mã, pháo, nhang là một phần văn hóa của nhiều người dân tại Trung Quốc, Maylaysia, Singapore, nhất là trong cộng đồng người Hoa. Tuy nhiên, việc này gây tác động xấu đến môi trường”.

Các nhà khoa học Đại học Cheng Kung - Đài Loan cho biết, chỉ riêng tháng cúng cô hồn vào tháng Bảy hằng năm tại Trung Quốc, lượng khói bụi độc hại do đốt vàng mã chứa các thành phần như chì, crôm, thạch tín, axít, nhôm, benzen, phẩm màu, tạo mùi tăng từ 18 - 60%. Nhà nghiên cứu Manoon Leechawengwong sau hai năm nghiên cứu về tác động sức khỏe của khói hương tại chùa chiền Thái Lan cho biết số người bị ung thư, chủ yếu các bệnh liên quan đến hô hấp, máu, bàng quang và tử vong vì khói hương độc hại cũng có thể bằng tổng số người Thái tử vong vì tai nạn giao thông và hút thuốc lá. Lao động làm việc trong sản xuất hương, vàng mã, pháo sẽ bị nhiễm độc chất benzen cao gấp nhiều lần. Dữ liệu của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cho thấy, hạt ô nhiễm PM 2.5, loại hạt được cho là gây nguy hại nhiều nhất đối với sức khỏe con người - đã tăng gấp 15 lần chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ của đêm giao thừa năm 2016.

Hiện nay Đài Loan, Malaysia buộc người dân phải tập trung lò đốt vàng mã và các đền chùa phải sử dụng lò phát thải để giảm ô nhiễm. Hồng Kông kêu gọi người dân thay thế nhang bằng bóng điện và chỉ dâng hương, hoa quả và số tiền mua nhang, pháo nên để làm từ thiện. Thượng Hải và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc ban lệnh cấm pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán 2017 nhằm giảm tình trạng khói mù và cải thiện chất lượng không khí. Cảnh sát Thượng Hải sẽ phạt 500 nhân dân tệ những ai bị phát hiện đốt pháo hoa ở khu vực trung tâm thành phố. Nhất là, người dân cần nâng cao ý thức trong việc hạn chế tối đa đốt vàng mã trong các lễ hội.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đốt nhiều vàng mã tác động xấu đến môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO