Đột phá công nghiệp

VINH ANH 12/06/2015 09:30

Xác định công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ (CN-TTCN, TM-DV) là mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, nhiệm kỳ qua, huyện Hiệp Đức đã tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, bước đầu đem lại những tín hiệu khả quan.

Doanh nghiệp hài lòng

Công ty CP May Hiệp Đức thuộc Cụm công nghiệp Nam An Sơn (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) là một trong những đơn vị tìm đến Hiệp Đức để đầu tư, sản xuất trong những năm qua. Ông Trương Văn Thạnh – Giám đốc Công ty CP May Hiệp Đức cho biết, công ty bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy tại Hiệp Đức từ năm 2013, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 35 tỷ đồng, hiện nay công ty có khoảng 450 công nhân lao động. Dự kiến doanh thu năm 2015 là 36 tỷ đồng, tính đến tháng 4.2015 đã đạt hơn 10 tỷ đồng. Theo ông Thạnh, việc lựa chọn Hiệp Đức để đầu tư xuất phát từ cả 2 điều kiện “cần và đủ”. Dù là một huyện miền núi, nhưng Hiệp Đức vẫn có những thuận lợi nhất định về giao thông, đặc biệt là nguồn lao động dồi dào. Trong khi đó, chủ trương của Tập đoàn Dệt may Việt Nam là hướng đến giải quyết lao động cho vùng nông thôn, nên việc lựa chọn đầu tư tại Hiệp Đức vừa phù hợp với những thuận lợi của địa phương, vừa đúng với chủ trương của tập đoàn. “Nhờ được sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình của lãnh đạo địa phương trong việc giải quyết những thủ tục hành chính, đặc biệt là giải phóng mặt bằng nên công ty đã sớm đi vào hoạt động. Sự quan tâm, tinh thần cầu thị của chính quyền làm cho doanh nghiệp chúng tôi rất hài lòng” – ông Thạnh nói.

Hiệp Đức thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: VINH ANH
Hiệp Đức thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: VINH ANH

Hiện nay, Công ty CP May Hiệp Đức đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị xúc tiến đầu tư giai đoạn 2 với việc xây dựng thêm một nhà xưởng. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2016, số công nhân lao động làm việc tại đây tăng lên 600 người và năm 2020 là 1.000 người. Hàng trăm lao động đang làm việc tại công ty hiện có thu nhập ổn định với mức lương 3 – 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nhiều người trước đây tìm đến các thành phố lớn để lao động, nay trở về quê làm việc. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (quê ở xã Bình Lâm) trước đây làm công nhân tại Công ty May 29 tháng 3 tại TP.Đà Nẵng, nay trở về quê xin vào làm việc tại Công ty CP May Hiệp Đức. Chị Thủy cho biết: “Về quê làm việc tôi không chỉ có thu nhập ổn định mà còn có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và lo cho gia đình. Tôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp về đầu tư tại Hiệp Đức để cho những người lao động như chúng tôi có cơ hội được làm việc, đỡ phải xa gia đình, xa quê hương”.

Không đợi chờ doanh nghiệp

Giai đoạn 2010 - 2015, huyện Hiệp Đức có 6 nhà máy được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động với tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 356,1 tỷ đồng. So với năm 2010, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đến nay đã tăng 6,2 lần. Ngoài ra, hiện nay toàn huyện có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh về TM-DV, giải quyết khoảng 1.500 lao động, so với năm 2010 tăng 305 cơ sở với 355 lao động. Có được thành công này là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Theo ông Trần Thọ, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức, địa phương có điểm xuất phát thấp, địa hình phức tạp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn… nên gặp khó khăn về kêu gọi đầu tư, nhất là trên lĩnh vực phát triển CN-TTCN, TM-DV. Vì vậy, trong một thời gian dài, CN-TTCN phát triển chậm, TM-DV thì đơn điệu, nhỏ lẻ, không rõ nét, mang tính tự phát. Sau khi có chủ trương về phát triển CN-TTCN và TM-DV, bằng những giải pháp mang tính khả thi cao, Hiệp Đức đã tạo bước đột phá về đầu tư và kêu gọi đầu tư. Địa phương đã phát huy tốt nội lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm lực kinh tế, thế mạnh của huyện như vốn, lao động, đất đai, khoáng sản, rừng, mặt nước…

Theo ông Trần Thọ, để thu hút đầu tư, kinh nghiệm của Hiệp Đức là không đợi chờ doanh nghiệp. Một khi có tín hiệu, sự quan tâm giới thiệu của UBND tỉnh và các sở, ban ngành, đồng thời nhận thấy phù hợp với thực tế của địa phương là lãnh đạo cùng các ban ngành liên quan của huyện xúc tiến ngay với doanh nghiệp, tìm đến họ bằng thái độ cầu thị, sự gần gũi, thân thiện nhất có thể. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đồng ý đến đầu tư thì huyện hỗ trợ mọi thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp trong “một lần làm việc” và chỉ đến… “một cửa”, không để doanh nghiệp đi lại tốn thời gian. “Đôi lúc Phòng Kinh tế - hạ tầng như đối tác, làm việc không công cho doanh nghiệp” – ông Thọ nói vui.

Phát triển CN-TTCN, TM-DV đã làm cho diện mạo nông thôn Hiệp Đức bước đầu có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết lao động tại chỗ và tận dụng nguồn nguyên vật liệu tại địa phương. Các dự án với đa ngành nghề không chỉ thể hiện sức hấp dẫn của huyện mà còn là minh chứng rõ nét trong việc thực hiện chủ trương, định hướng chung phát triển ngành CN-TTCN, TM-DV cho khu vực miền núi của tỉnh. Điều quan trọng hơn là phát triển CN-TTCN, TM-DV đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, từ đó có cách nghĩ, cách làm mới, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, làm cho người dân ngày càng năng động, sáng tạo, nhạy bén, thể hiện một tác phong công nghiệp của thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đột phá công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO