Thành tựu trong chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển sau tái lập tỉnh là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, quyết liệt, ý chí không cam chịu đói nghèo, tụt hậu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam. Và đây chính là tiền đề quan trọng, nền tảng vững chắc để Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước trong giai đoạn mới.
Dấu ấn
Đột phá về đầu tư, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng đã đem lại cho Quảng Nam diện mạo mới, đồng thời khai thông mạch nguồn phát triển ở tất cả ngành, lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, 25 năm qua, Quảng Nam đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Nhất là trong giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư phát triển lên đến hơn 137 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm và gấp hơn 1,7 lần so giai đoạn 2011-2015; đồng thời tăng ở tất cả các nguồn vốn (ngân sách nhà nước, vốn ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài), trong đó ngân sách nhà nước chiếm hơn 30% tổng nguồn vốn huy động.
Đầu tư công đã chuyển từ kế hoạch hàng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngày càng trở nên công khai, minh bạch, kiểm soát nợ công chặt chẽ hơn. Các chương trình, dự án đầu tư có trọng điểm, đạt nhiều kết quả trên tất cả ngành, lĩnh vực: y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Rõ nét nhất là hạ tầng giao thông, với nhiều công trình quan trọng, có tính chất liên vùng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thúc đẩy lan tỏa phát triển từ đô thị đến nông thôn, kết nối giữa đồng bằng ven biển và miền núi, giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung.
Tiếp đến là phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đến nay, cả tỉnh đã có 11 khu công nghiệp tập trung, diện tích hơn 6.000ha, tỷ lệ lấp đầy 51% và 49 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.000ha, tỷ lệ lấp đầy 68,4%.
Sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và cả nước. Nổi bật nhất là quy mô kinh tế tăng hơn 40 lần; trong đó, công nghiệp-dịch vụ chiếm gần 90% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 180 lần so với năm đầu tái lập. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 80% ngân sách trung ương, đến nay Quảng Nam thu ngân sách đạt hơn 23.000 tỉ đồng, gấp hơn 200 lần so với năm đầu tái lập và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cho ngân sách trung ương.
Về đột phá phát triển nguồn nhân lực, Quảng Nam đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực được triển khai thực hiện.
Công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị và đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được thực hiện có hiệu quả.
Giáo dục được quan tâm; đào tạo nghề được đổi mới, chất lượng từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ lệ lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 50,1% năm 2015, xuống còn 38% năm 2022; lao động qua đào tạo từ 54% năm 2015, lên 65% năm 2022.
Ở khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đã ghi nhận nhiều cách làm mới, nhờ những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ và nỗ lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ mà môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt.
Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR) của Quảng Nam hàng năm đã có những cải thiện về thứ hạng so với các tỉnh, thành trên cả nước.
Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2016 đến nay luôn duy trì ở nhóm tốt, nằm trong nhóm 13 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước. Đến nay, có hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 450 hợp tác xã, hơn 40.000 hộ kinh doanh cá thể.
Đặc biệt, có gần 200 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD. Cũng trong năm 2021, Quảng Nam hoàn thiện Đề án chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng số trên 3 trục, gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Hiện tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đạt cao.
Đẩy mạnh 3 đột phá
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII tiếp tục xác định đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, gồm: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sự chuyển động mạnh mẽ, đi vào chiều sâu của những đột phá chiến lược này sẽ tạo động lực rất lớn để Quảng Nam hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; đồng thời, chuẩn bị cho lộ trình bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện những nhiệm vụ đột phá nêu trên, trước hết, về định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, cần ban hành kế hoạch hành động trên tất cả lĩnh vực: đô thị, giao thông, cung cấp điện, khu công nghiệp, thủy lợi, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong giai đoạn tới, phấn đấu huy động hơn 220 nghìn tỷ đồng đầu tư toàn xã hội; trong đó vốn đầu tư các doanh nghiệp ngoài nhà nước khoảng 80%, đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 20%.
Bảo đảm kết nối các vùng, địa phương trong tỉnh với ngoài tỉnh và cả nước đồng bộ; nâng cao năng lực vận tải với hệ thống giao thông thông suốt, an toàn; tưới, tiêu chủ động cho diện tích lúa hai vụ và các vùng cây công nghiệp, nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản tập trung; chủ động phòng tránh lũ, bão, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng hạ tầng năng lượng điện; công trình hạ tầng thiết yếu, từng bước hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư các trung tâm du lịch, hệ thống dịch vụ, phục vụ sản xuất kinh doanh; hệ thống thông tin truyền thông, dịch vụ tín dụng, điện tử tiện ích; nâng cấp cơ sở vật chất một số cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở y tế khám chữa bệnh chất lượng cao.
Xây dựng quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch trung hạn và hàng năm có tầm nhìn, có chất lượng, gắn với tình hình thực tiễn tại mỗi ngành, địa phương.
Huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng Đông theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - kinh tế biển - nông nghiệp công nghệ cao.
Phát triển vùng Đông nhằm thu hút các dự án trọng điểm, chiến lược quốc gia, làm động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển cho cả tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phát triển hệ thống cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics, phù hợp với định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai trong điều kiện mới.
Trong xu thế hội nhập và nền kinh tế tri thức, các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, tài chính, khoa học - công nghệ và nguồn lực con người cần được coi trọng phát triển toàn diện.
Trong đó, nguồn lực con người là yếu tố quyết định đến quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác.
Muốn tăng năng suất lao động phải có nguồn nhân lực với kỹ năng tay nghề cao. Lấy người học làm trung tâm đào tạo, nhằm hướng tới phát huy năng lực làm việc, tính sáng tạo của người lao động; lý thuyết đi kèm với thực hành để phát triển các kỹ năng mềm của người lao động, tăng tính thích ứng, thích nghi với môi trường làm việc thực tế.
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chính sách thu hút mạnh mẽ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực; khả năng tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ số.
Khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển Quảng Nam.
Trong đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là kết quả tất yếu của việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; lấy phát triển doanh nghiệp theo hướng năng động, đổi mới sáng tạo làm động lực để nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ, bền vững của nền kinh tế.
Về thu hút đầu tư, hiện Quảng Nam tiếp tục theo đuổi chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp mạnh về tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật cao để đầu tư trong các lĩnh vực có tính chất lan tỏa phát triển các thành phần kinh tế khác như kết cấu hạ tầng giao thông, logistics; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng công nghệ thông tin; môi trường, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư khu đô thị thông minh và các hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu thương mại, du lịch.
Ba nhiệm vụ đột phá chiến lược gần như là trục xương sống của một cơ thể đang phát triển, thiếu một yếu tố đều không được. Chính vì vậy, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thông suốt từ tỉnh đến tận cơ sở.