Chủ động linh hoạt vận dụng các cơ chế, chính sách, tranh thủ các nguồn lực… là những định hướng mà chính quyền huyện Duy Xuyên sẽ tiếp tục theo đuổi để tạo bước đột phá hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nỗ lực đầu tư
Chị Lê Thị Hạnh (thôn Sơn Tây, Duy Hải) không nhớ rõ điều gì đã khiến mình rời bỏ ruộng vườn để nhập vào “đội quân” buôn bán dạo ở miệt đông Duy Xuyên. Ký ức của người phụ nữ làng rau, hành này vẫn còn lưu giữ hình ảnh những chuyến đò nhọc nhằn qua sông, vài chiếc cầu treo dựng lên được dăm tháng, không thể nào xóa bỏ cảnh đò giang cách trở. Học trò làng, số sang phố Hội, người lên thị trấn trọ học, số còn lại có thể nghỉ học bất ngờ trước một ngày dông bão. Ngày ấy, 12km đường ngắn ngủi từ thị trấn Nam Phước xuống vùng đông với những làng nghèo bên những con đường cát bụi mù mịt… vẫn là khoảng cách quá xa xôi. Cán bộ huyện xuống mấy xã này vẫn phải mượn đường Thăng Bình. Sự thay đổi chỉ bắt đầu từ khi những chiếc cọc đầu tiên đóng xuống sông Thu Bồn xây cầu Cửa Đại, thêm những cây cầu khác bắc qua sông Trường Giang hay Bà Rén hình thành, mở nên những con đường bê tông băng qua những trảng cát mênh mông đã đánh thức khát vọng vượt thoát đói nghèo của người miệt đông Duy Xuyên. Bây giờ mỗi sáng, khi những chuyến tàu cá cập cảng An Lương, nhiều cơ sở chế biến hải sản ở vùng đông lại nhộn nhịp những chuyến xe tải, đông lạnh đến vận chuyển hàng đi khắp chốn. Nhiều phụ nữ chất đầy cá mắm lên những chiếc xe máy, chạy dọc theo con đường từ biển lên đến tận Trà Kiệu, Mỹ Sơn hay có thể đến tận vùng Tĩnh Yên (Duy Thu)… bắt đầu cuộc mưu sinh thường nhật.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trở thành điểm sáng của Duy Xuyên. Ảnh: T.P |
Con đường xuyên đông - tây Duy Xuyên mất khoảng 2 giờ đi bằng xe máy chỉ là một lát cắt trong tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng vùng đất di sản này. Quá trình kiến tạo kết cấu hạ tầng không chỉ dừng lại ở cầu Cửa Đại, đền liệt sĩ, cầu Trường Giang… mà còn mở rộng ra với việc xây dựng mới một số tuyến đường ĐH, các tuyến đường cụm công nghiệp và hàng trăm tuyến đường giao thông nông thôn bê tông hóa, tạo giao thông thông suốt. Các công trình thủy lợi từ hồ đập lớn như Thạch Bàn, Vĩnh Trinh, Phú Lộc, Khe Cát cho đến kênh mương, kè chống xói lở, các trạm bơm cũng đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Duy Xuyên cũng đã đầu tư hơn 450 tỷ đồng dành cho việc nâng cấp, xây dựng mới các nghĩa trang, trường học, y tế, chợ và nhiều công trình công cộng khác. Hạ tầng thương mại, dịch vụ cũng được đầu tư mạnh mẽ. Sau khi hoàn thành dự án nâng cấp chợ Nồi Rang, Bàn Thạch, Phú Đa, chợ Cổng Số 5… thì việc mở rộng, xây dựng mới lại các chợ Trà Kiệu, La Tháp, chợ Vỏ Chiêm Sơn được tiến hành khẩn trương. Việc hoàn thành dự án khu đô thị phố chợ Nam Phước cùng với nhiều dịch vụ du lịch mới tại Mỹ Sơn và làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu đã tạo hướng mới cho du lịch - thương mại ở địa phương có thêm luồng sinh khí mới.
Kết nối đông - tây
Ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng điều quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng là sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Chính quyền địa phương chú trọng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng mạnh công nghiệp, dịch vụ luôn đi kèm với sự đầu tư cho nông nghiệp và các công trình phục vụ dân sinh. Địa phương đã chọn và đang đi đúng hướng trong việc xác định thúc đẩy phát triển công nghiệp dịch vụ, và định hướng này sẽ có thể kéo dài đến năm 2020. Theo ông Dũng, ngoài tuyến quốc lộ 1, đường cao tốc, đường sắt thì việc kết nối giao thông với các huyện lân cận, kết nối giữa các vùng trong huyện, kết nối đông - tây thuận lợi, bảo đảm phát triển lâu dài là việc làm cấp thiết. Kế hoạch của Duy Xuyên trong vòng 5 năm tới là tranh thủ vốn nâng cấp, mở rộng ĐT610 từ quốc lộ 1 đến Nông Sơn. Mở rộng, kéo dài ĐT610 xuống vùng đông, đồng thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến ĐH hiện có như Nam Phước đi Bàn Thạch, Trà Kiệu đi Hòn Tàu - Mỹ Sơn, đường Kiểm Lâm đi Phú Đa… Tính toán xúc tiến mở một số tuyến đường ĐH mới. Trọng yếu là tuyến đường vùng đông - quốc lộ 1 - Tây An, chạy song song với ĐT610 hiện có, tương lai sẽ kéo dài từ Tây An đi vùng tây. Đây là tuyến quan trọng không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn để tránh dồn nén, ùn tắc trên ĐT610 và tuyến kết nối đông - tây khi có lũ lụt.
Thực tiễn và tiềm năng lợi thế đã buộc địa phương phải tính toán đến phương án phát triển về việc hoàn thiện hạ tầng 8 cụm công nghiệp hiện có. Hoàn thiện hạ tầng giao thông, cấp nước và xử lý các vấn đề môi trường tại các cụm công nghiệp. Theo ông Nguyễn Công Dũng, không giải quyết tốt bài toán giao thông thì khó có thể nói đến việc kêu gọi thu hút các dự án về sản xuất, dịch vụ. Kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa thông tin, xây dựng, nâng cấp các chợ có thể giải quyết cơ bản trong vòng 3 hay 5 năm tới. Nhưng phát triển giao thông, thủy lợi, kiến thiết thị tứ, thị trấn hay kiến thiết các khu du lịch, vùng sinh thái để kết nối thành chuỗi các điểm du lịch là việc làm lớn, lâu dài, cần rất nhiều vốn chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. “Tiền ở đâu để đầu tư chính là câu hỏi mà địa phương vẫn chưa tìm thấy câu trả lời. Tuy nhiên kiên trì với định hướng phát triển, chính quyền sẽ không ngồi chờ đợi, mà sẽ tích cực vận động, vận dụng triển khai tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu, vốn ngoài kế hoạch bố trí đầu năm, các nguồn vốn tín dụng và kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng. Không bao giờ có đủ mọi cơ chế, chính sách, nguồn lực và tất cả điều kiện cần và đủ để giải quyết những khó khăn cho bài toán phát triển. Chính quyền sẽ chủ động, mở rộng hết các mối quan hệ để vận động, “đi xin” kinh phí, tài trợ để đầu tư” - ông Dũng nói.
TÙY PHONG