Đột phá ngành dệt may

ĐẶNG HÙNG (thực hiện) 19/02/2015 16:14

Nối tiếp nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, dệt may Quảng Nam đã không ngừng phát triển để trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước trong tương lai gần.

Ngày càng nhiều cơ sở dệt may xuất hiện ở các vùng nông thôn Quảng Nam. Đặc biệt, trong 2 năm qua, khi Quảng Nam ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), đã có thêm những nhà máy may quy mô lớn được xây dựng ở Thăng Bình, Hiệp Đức, Phú Ninh. Hiện cả tỉnh có 91 doanh nghiệp may công nghiệp với 564 chuyền may và gần 1.600 hộ cá thể chuyên nghề dệt vải. Qua đó, dệt may đang giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Sau 2 năm ký kết hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhiều dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, tạo diện mạo mới cho ngành may Quảng Nam.
Sau 2 năm ký kết hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhiều dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, tạo diện mạo mới cho ngành may Quảng Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam mới đây đã khẳng định, trong 40 năm qua, dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng dệt may Quảng Nam vẫn duy trì sản xuất, từng bước mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của địa phương. Dệt may không chỉ đóng góp giá trị sản lượng khá lớn cho toàn ngành công nghiệp, mà còn là một trong những ngành thu hút nhiều lao động nhất hiện nay.

*Thưa ông, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán ở giai đoạn nước rút. Theo các chuyên gia, dệt may sẽ là một trong những ngành sản xuất được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Vậy là Quảng Nam sẽ có thêm  cơ hội?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu:  Dệt may được coi là một trong những ngành có nhiều lợi thế khi TPP được ký kết. Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Quan trọng là các doanh nghiệp Quảng Nam có đáp ứng được những yêu cầu khá khắt khe của TPP hay không. Theo tôi, để được hưởng lợi từ hiệp định này, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp dệt may phải xây dựng chiến lược cụ thể, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư chuyển đổi sản xuất từ gia công truyền thống (CMT) sang chủ động vùng nguyên liệu (FOB), góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất; từ đó sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế theo TPP. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin, củng cố nguồn lực chất lượng cao, đầu tư phát triển công nghệ, kỹ năng quản lý, tăng năng lực cạnh tranh nhằm tận dụng tối đa cơ hội và ứng phó được với những thách thức từ TPP.

Ngành dệt may phát triển góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp.
Ngành dệt may phát triển góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp.


 * Quảng Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dệt may lớn của cả nước. Việc ký kết hợp tác chiến lược với  VINATEX là nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu này. Thưa ông, tới đây sẽ có những dự án nào được triển khai để tiếp tục cụ thể hóa chiến lược hợp tác giữa hai bên?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Sau 2 năm ký kết chương trình hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp ngành may giữa VINATEX và UBND tỉnh Quảng Nam, hiệu quả đem lại rất đáng kể. Và đặc biệt, năm 2015 này sẽ có thêm nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tiếp tục được triển khai nhằm tạo bước đột phá cho dệt may Quảng Nam. Cụ thể: VINATEX sẽ liên kết với người dân xã Đại Hồng (Đại Lộc) triển khai dự án trồng bông thí điểm quy mô trang trại hơn 500ha và xây dựng nhà máy sợi tại Bình Phục (Thăng Bình), công suất 20.000 cọc sợi, vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Cạnh đó là triển khai xây dựng Khu liên hợp các nhà máy sợi - dệt - nhuộm - May tại xã Hương An (Quế Sơn) trên tổng diện tích hơn 20ha, gồm các nhà máy sợi 30 nghìn cọc, sản lượng 4.600 tấn/năm; nhà máy dệt - nhuộm vải dệt kim đồng bộ chất lượng cao, công suất 5.000 tấn/năm và dự án xử lý nước thải với công suất 5.000m3. Tổng vốn đầu tư cho khu liên hợp này lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.
* Cùng với việc hợp tác chiến lược với VINATEX,  Quảng Nam có những chính sách nào để tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển ngành dệt may, thưa ông?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu: UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành các quyết định về quy định hỗ trợ đầu tư ngành dệt, may, mây tre lá vào địa bàn nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2016; quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2020; đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may giai đoạn 2014-2020... với những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương. Tới đây, Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng chiến lược thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, chiến lược phát triển nguồn nhân lực dệt may giai đoạn 2014 - 2020 và các cơ chế chính sách khác, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp này, để dệt may trở thành mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh.

* Xin cảm ơn ông!

ĐẶNG HÙNG (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đột phá ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO