Đã xuất hiện không ít mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Nam. Đây được xem là xu thế tất yếu trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nông trại sản xuất rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Y ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 50kg các loại.Ảnh: Sự Tuấn |
Tín hiệu vui
Sau đợt mưa lũ lớn xảy ra gần giữa tháng 12.2018, giá các loại rau củ quả trên thị trường tăng cao vì hàng loạt diện tích hoa màu vụ đông trên địa bàn Quảng Nam và các địa phương lân cận bị ngập úng, hư hại nghiêm trọng. Trong khi đó, trang trại canh tác rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Y ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) vẫn cung ứng ra thị trường với số lượng mỗi ngày hơn 50kg và giá cả không biến động mạnh. Theo chị Y, với khả năng sử dụng và tương tác qua internet, việc tìm đầu ra cho nông sản của chị không quá khó. “Với 1.200m2 được sản xuất theo phương thức gối vụ, nông trại rau thủy canh của mình luôn có sản phẩm để cung ứng cho khách hằng ngày, kể cả trong mùa mưa lũ mà giá cả vẫn ổn định” - chị Y chia sẻ. Với kinh nghiệm làm du lịch trước đây của mình, chị Y dự kiến thời gian đến sẽ nghiên cứu thiết kế các tour tham quan, trải nghiệm trồng rau cho du khách vì nông trại chỉ cách trung tâm đô thị cổ Hội An chừng 10km, việc đi lại khá thuận lợi.
Trước xu thế phát triển sản xuất và nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng, tháng 3.2017 Hợp tác xã (HTX) Thực phẩm sạch Phú Ninh được thành lập. Ngay sau đó, HTX quyết định đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng 30.000m2 nhà lưới để tiến hành trồng các loại rau củ quả theo hướng hữu cơ. Nhờ làm tốt khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm nên hiện nay HTX đã hình thành được một mạng lưới khách hàng thường xuyên với không dưới 200 hộ cá thể và ít nhất 10 cơ sở. Bình quân hằng tháng, đơn vị xuất bán hơn 2,5 tấn rau củ quả sạch các loại; doanh thu năm đầu đạt gần 10 tỷ đồng.
Mạnh dạn tiếp cận
Theo ông Nguyễn Quốc Phong (quê ở Núi Thành), hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp đô thị H2O Farm, ngoài hàng chục mô hình rau thủy canh cho nhà phố đã được xây dựng tại Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn… trong thời gian qua thì thời điểm cuối năm 2018 đơn vị cũng đã hoàn thành một số đơn hàng lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh với quy mô lớn (mỗi mô hình có diện tích hơn 1.000m2) cho các doanh nghiệp và hộ cá thể tại Thăng Bình, Núi Thành… “Có thể thấy, nông dân xứ Quảng, đặc biệt là những người trẻ đang mạnh dạn tiếp cận với loại hình nông nghiệp công nghệ cao để tìm cơ hội khởi nghiệp tại quê nhà thay vì làm nông nghiệp truyền thống” – ông Phong chia sẻ.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài những mô hình sản xuất rau củ quả theo phương thức nhà lưới, nhà kính, những năm gần đây việc phát triển chăn nuôi của tỉnh cũng có bước chuyển mới theo xu hướng ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 20 trang trại chăn nuôi heo thịt, gà đẻ trứng với quy mô khá lớn áp dụng hệ thống chuồng lạnh và việc cung cấp thức ăn – nước uống, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại, thu trứng… cũng vận hành bằng những dây chuyền, thiết bị hiện đại. Ngoài ra, thời gian qua nhiều địa phương của tỉnh cũng đã hình thành rất nhiều mô hình sản xuất hạt giống lúa lai thế hệ F1 theo phương thức hàng hóa tập trung. Ông Muộn cho rằng, đây cũng là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, bởi quá trình canh tác đòi hỏi phải áp dụng bài bản và nghiêm ngặt nhiều khâu trong quy trình kỹ thuật, giúp nhà nông tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và giải quyết đầu ra sản phẩm.
“Tất nhiên, dù có phát triển nông nghiệp thông minh và năng lượng tái tạo thì nguồn nhân lực vẫn là yếu tố then chốt. Đối với những nơi đang có ý định thúc đẩy mô hình này phát triển mạnh thì đòi hỏi mang tính bắt buộc là phải đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo, tập huấn chuyển giao rộng rãi các tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất”.
(Chuyên gia An Chang Doek - Giám đốc Công ty SG Enesys (Hàn Quốc) phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo quốc gia tổ chức tại TP. Đà Nẵng hồi đầu tháng 12.2018)
“Thời gian tới Quảng Nam sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và những người trẻ có ý tưởng khởi nghiệp tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, đối với những địa phương ở khu vực trung du và miền núi có đất đai không bị nhiễm bẩn sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều loại giống cây trồng mới có chất lượng tốt. Còn đối với khu vực đồng bằng, sẽ chọn mô hình sản xuất rau củ quả trong nhà lưới, nhà kính bằng phương thức thủy canh, giá thể hoặc trồng trên đất. Tuy nhiên, sản xuất phải có một quy hoạch bài bản chứ không phát triển một cách ào ạt”.
(Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)
VĂN SỰ - QUỐC TUẤN