Trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, UBND tỉnh cùng các địa phương nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Từ đó, đảm bảo hoàn thành những tiêu chí “cứng”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hình thành nhiều làng quê kiểu mẫu.
Nguồn lực đầu tư lớn
Có dịp trở lại xã Duy Vinh (Duy Xuyên), nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê này. Trước đây, tuyến ĐH4 đoạn từ đầu cầu Hà Tân đến giáp xã Cẩm Kim (Hội An) dài hơn 2km rất hẹp và thường xảy ra cảnh “nắng bụi, mưa bùn”. Đây được xem là lực cản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho hay, UBND huyện Duy Xuyên quyết định đầu tư mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa trục ĐH4 với kinh phí 23 tỷ đồng.
Trong 194 xã xây dựng mô hình NTM, đến nay đã có rất nhiều xã hoàn thành những tiêu chí “cứng” về hạ tầng.
Cụ thể, có 136 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 180 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai; 181 xã đạt tiêu chí số 4 về điện; 144 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học; 134 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; 183 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 159 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông; 153 xã đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư...
Ông Sáu cho biết, năm 2019 Duy Vinh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, thời điểm đó, địa phương có nhiều tiêu chí “cứng” chỉ đạt ở ngưỡng tối thiểu. Từ năm 2019 đến nay cán bộ và nhân dân Duy Vinh tiếp tục triển khai nhiều phần việc để nâng chuẩn các tiêu chí, nhất là về kết cấu hạ tầng.
“Giai đoạn 2019 – 2022, xã đã đầu tư thêm ít nhất 50 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... Mục tiêu địa phương đặt ra là đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2025” – ông Sáu nói.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho hay, trong quá trình triển khai chương trình NTM giai đoạn 2011 – 2022, các ngành, các cấp của Quảng Nam ưu tiên nguồn lực tài chính cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Chỉ tính riêng năm 2022, tổng nguồn vốn tỉnh huy động thực hiện chương trình NTM là hơn 1.982 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước các cấp hơn 1.590 tỷ đồng, vốn tín dụng xấp xỉ 40 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp và hợp tác xã gần 28,6 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị gần 323,6 tỷ đồng.
Nhiều xã hoàn thành các tiêu chí “cứng”
Trong số hơn 1.590 tỷ đồng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước các cấp cho chương trình xây dựng NTM ở Quảng Nam năm 2022 thì nguồn vốn trực tiếp từ chương trình hơn 650 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương gần 287,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 245,8 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 86 tỷ đồng, ngân sách cấp xã hơn 30,6 tỷ đồng) và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác gần 940 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, các địa phương đã bê tông hóa thêm 81km giao thông nông thôn, nội đồng và xây dựng 19 cầu, cống thoát nước; xây dựng 62 công trình thủy lợi, 21 công trình điện chiếu sáng, xây mới và sửa chữa 33 công trình trường học; xây mới và nâng cấp 4 nhà văn hóa xã, 15 khu thể thao xã, 55 nhà văn hóa thôn, 20 khu thể thao thôn, 32 điểm vui chơi - giải trí - thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, có 3 ngôi chợ được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và 16 đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số...
Bên cạnh nguồn kinh phí trực tiếp của chương trình NTM, năm 2022 chính quyền các cấp cũng linh hoạt lồng ghép nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Theo đó, năm qua các địa phương đã lồng ghép nguồn vốn của chương trình giảm nghèo bền vững để nhựa hóa và bê tông hóa 49 công trình giao thông (có 45 công trình đường giao thông và 4 công trình cầu thôn, bản); kiên cố hóa 4 công trình thủy lợi; xây mới và nâng cấp 3 công trình điện, 26 công trình giáo dục, 8 cơ sở vật chất văn hóa, 4 công trình nước sạch nông thôn, 3 công trình hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời các địa phương lồng ghép nguồn vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư hạ tầng.