(QNO) - Trong tháng 7 này, các nhà khoa học trên thế giới trong lĩnh vực y khoa đã công bố nhiều công trình mang tính đột phá trong điều trị bệnh ung thư.
Ngày 21.7 vừa qua, ông Jose Antonio Castro - Giám đốc Viện nghiên cứu dược phẩm Labiofam của Cuba thông báo, các nhà khoa học nước này đang phát triển với kết quả khả quan một loại thuốc điều trị ung thư mới có khả năng triệt tiêu các tế bào ác tính nhưng không gây tác hại đối với các tế bào lành xung quanh. Hợp chất chống ung thư này được chiết xuất từ hỗn hợp peptit RJLB14, có thể thẩm thấu qua các màng tế bào mang mầm bệnh hoặc bị hoại tử để triệt tiêu chúng. Trước đây, các loại hợp chất điều trị ung thư thường kiềm chế sự phát triển và tiêu diệt tế bào mang bệnh nhưng đồng thời cũng hủy hoại các tế bào lành tính. Kết quả nghiên cứu trên chuột tại các phòng thí nghiệm ở Cuba và châu Âu đều cho thấy các khối u ác tính nhỏ đi sau khi tiêm hỗn hợp peptit RJLB14. Trong thời gian tới, Labiofam sẽ trình bày kết quả với các cơ quan chuyên môn và nếu được thông qua thì loại thuốc này sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người. Ông Castro cũng cho biết, kết quả thử nghiệm cho thấy loại hợp chất trên phản ứng tốt với các tế bào ung thư vú, phổi, não và tuyến tiền liệt.
Dao mổ thông minh iKnife. Ảnh: smh.com.au |
Trước đó, một kết quả nghiên cứu khác cũng được công bố trên tạp chí y khoa Mỹ - Science Translational Medicine ngày 17.7 về việc ứng dụng thành công một loại dao mổ mới có khả năng phân biệt tế bào ung thư với tế bào khỏe mạnh trong tích tắc có thể giúp bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính chính xác hơn. Dao mổ thông minh nói trên mang tên iKnife (dao điện tử), do các nhà nghiên cứu trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) hợp tác với chính phủ Hungary phát triển. iKnife phân biệt tế bào ung thư và khỏe mạnh trong vòng 3 giây nhờ vào cơ chế phân tích hơi khói bốc ra từ tế bào bằng phép đo quang phổ khi bác sĩ phẫu thuật dùng dòng điện để cắt bỏ khối u ác tính. Trong khi hiện nay, phương pháp xét nghiệm sinh thiết để chẩn đoán ung thư thường tốn kém và mất khoảng 20-30 phút mới cho kết quả. Dao mổ thông minh iKnife hiện chưa được thương mại hóa và có thể phải mất ít nhất 1 năm nữa mới được bán rộng rãi trên thị trường. Chi phí sản xuất iKnife hiện nay lên tới hơn 380 nghìn USD nhưng nếu được thương mại hóa, giá của sản phẩm này sẽ được giảm đi.
Cũng trong tháng 7 này, một kết quả nghiên cứu khác của các nhà khoa học thuộc Đại học Southampton (Anh) và Trung tâm Nghiên cứu BC Cancer được đăng trên tạp chí Y khoa Plant Cell (Mỹ), xoay quanh khả năng điều trị bệnh ung thư mà không làm tổn hại đến các tế bào khác của cơ thể, khác với các phương pháp xạ trị trước kia. Giáo sư Chris Proud, thuộc Khoa Sinh học của Đại học Southampton cho biết, tế bào ung thư phát triển và phân ly nhanh hơn các tế bào thông thường rất nhiều, nghĩa là chúng thường bị “đói” dinh dưỡng và ôxy cao. Thành phần tế bào mang tên eEF2K có vai trò quan trọng trong việc cho phép các tế bào ung thư sống sót trong lúc bị “đói”, trong khi đó các tế bào khỏe mạnh khác không cần eEF2K để sống sót. Vì vậy, nếu chặn khả năng của eEF2K chúng ta có thể giết các tế bào ung thư mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh. Hiện GS Chris Proud và các cộng sự đang tích cực làm việc với nhiều phòng nghiên cứu khác nhau, trong đó có các công ty dược, để phát triển một loại thuốc thử nghiệm ngăn chặn chức năng của eEF2K. Có thể trong tương lai gần sẽ có những loại thuốc dựa vào nghiên cứu này được dùng để điều trị các loại bệnh ung thư.
Quốc Hưng