Đột phá trong điều trị HIV/AIDS

NAM VIỆT 17/02/2022 08:52

(QNO) - Một bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu ở Mỹ trở thành người thứ ba đến nay được chữa khỏi HIV sau khi cấy ghép tế bào gốc từ người hiến tặng, có khả năng kháng vi rút HIV một cách tự nhiên.

Tiến sĩ Deborah Persaud Đại học Johns Hopkins, một trong những nhà nghiên cứu đột phá về điều trị HIV. Ảnh: hub.jhu.edu
Tiến sĩ Deborah Persaud thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - một trong những nhà nghiên cứu đột phá về điều trị HIV/AIDS. Ảnh: Hub.jhu.edu

Kể từ khi được cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, bệnh tình của người phụ nữ 64 tuổi - thuộc đa chủng tộc (người lai) thuyên giảm, đặc biệt không còn vi rút HIV trong 14 tháng qua mà không cần đến các phương pháp điều trị HIV mạnh mẽ như điều trị kháng retrovirus.

Người phụ nữ trên phát hiện nhiễm vi rút HIV vào năm 2013. Bốn năm sau, bác sĩ chẩn đoán bà mắc bệnh ung thư máu. Kể từ ca mổ vào tháng 8.2017 để được cấy ghép tế bào gốc, bệnh bạch cầu của bà thuyên giảm. Ba năm sau, bà ngừng điều trị HIV. Mười bốn tháng kể từ đó, bà chưa phải đối phó với tình trạng vi rút bùng phát trở lại.

Trường hợp của bà được báo cáo tại một hội nghị ở Denver (Mỹ) ngày 15.2.2022.

Nghiên cứu trên được dẫn đầu bởi tiến sĩ Yvonne Bryson thuộc Đại học California Los Angeles và tiến sĩ Deborah Persaud thuộc Đại học Johns Hopkins ở Baltimore của Mỹ. Nghiên cứu nhằm theo dõi 25 người nhiễm HIV được cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn để điều trị ung thư và các tình trạng bệnh nghiêm trọng khác.

Hai trường hợp được chữa khỏi HIV trước đó là ở nam giới - một người da trắng và một người gốc Latin. Họ nhận được tế bào gốc của người trưởng thành như một phần của quá trình cấy ghép tủy xương phổ biến hơn.

Các bệnh nhân trong thử nghiệm đầu tiên trải qua quá trình hóa trị để tiêu diệt các tế bào miễn dịch ung thư. Sau đó, bác sĩ sẽ cấy ghép tế bào gốc từ những cá nhân có đột biến di truyền cụ thể, trong đó thiếu các thụ thể được vi rút sử dụng để lây nhiễm tế bào. Các nhà khoa học tin rằng, những người này sau đó phát triển một hệ thống miễn dịch kháng HIV.

Hình ảnh vi rút HIV thông qua kính hiển vi điện tử. Ảnh:gettyimages
Hình ảnh vi rút HIV thông qua kính hiển vi điện tử. Ảnh: Gettyimages

Cấy tế bào gốc từ máu cuống rốn cũng là một phương pháp mới và được kỳ vọng có thể giúp điều trị được nhiều người hơn.

Bà Sharon Lewin - Chủ tịch Hiệp hội AIDS quốc tế cho biết, cấy ghép tủy xương không phải là một chiến lược khả thi để chữa khỏi hầu hết những người sống chung với HIV. Nhưng báo cáo về việc điều trị bằng cách sử dụng máu cuống rốn khẳng định rằng có thể chữa khỏi HIV và tăng cường hơn nữa sử dụng liệu pháp gen như một chiến lược khả thi đối với HIV. Một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công là việc cấy ghép các tế bào kháng HIV.

Vào tháng 12.2021, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ chính thức phê duyệt loại thuốc dự phòng lây nhiễm HIV dạng tiêm đầu tiên, đem lại giải pháp thay thế cho thuốc viên.

Cho đến gần đây, loại thuốc duy nhất được FDA Mỹ cấp phép thường được gọi là PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đột phá trong điều trị HIV/AIDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO