Đốt, rải vàng mã: Một tập tục nên bỏ

ANH ĐÔNG 01/03/2018 13:55

Dù đã có nhiều thay đổi nhưng tập tục đốt, rải vàng mã trong các dịp cúng bái, tang ma vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

Mặt hàng vàng mã rất đa dạng chủng loại. Ảnh: A.Đ
Mặt hàng vàng mã rất đa dạng chủng loại. Ảnh: A.Đ

Nhiều nơi đã bỏ

Trước thực trạng người dân tổ chức rải tiền giấy, đốt vàng mã tràn lan trên đường đưa tang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan, năm 2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên đã phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện mô hình “Không rải vàng mã trên đường đưa tang” đến Mặt trận các xã, thị trấn, các tổ chức thành viên và chi bộ, ban nhân dân thôn, ban công tác mặt trận khu dân cư tổ chức thực hiện. Và đi liền với chủ trương là hành động. Cụ thể, các thành viên trong Ban thường trực MTTQ huyện Duy Xuyên, các tổ chức thành viên được phân công phụ trách từng khu dân cư để đôn đốc, theo dõi và báo cáo kết quả việc triển khai tổ chức thực hiện mô hình; đồng thời kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, mặt trận các xã, thị trấn, các khu dân cư tổ chức hội nghị để tuyên truyền vận động trong nhân dân, các gia đình, tộc họ. Đồng thời lồng ghép vào trong các buổi sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể để tuyên truyền vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Với sự vào cuộc quyết liệt trên, đến nay toàn huyện Duy Xuyên có 94/94 khu dân cư đã thực hiện tốt mô hình này, việc rải vàng mã trên đường đưa tang hầu như ít xảy ra.

Từ kết quả trên, năm 2016, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên tiếp tục phát động nhân rộng thêm các mô hình “Hạn chế và tiến đến không đốt vàng mã và rải các vật phẩm trong các nghi lễ thờ cúng”, mô hình “Không sử dụng hạt dưa và thuốc lá tiếp khách trong đám tang”. Theo đó, khi các hộ dân có người thân qua đời, cán bộ mặt trận xã và khu dân cư đến từng hộ để vận động. Một cán bộ Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên cho biết, bước đầu, việc vận động người dân rất khó khăn vì có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, dùng hạt dưa và thuốc lá tiếp khách đến thăm viếng đã trở thành thông lệ. Tuy nhiên, với sự kiên trì của cán bộ mặt trận từ xã đến khu dân cư, các tổ chức thành viên đã tuyên truyền vận động, giải thích nên việc thực hiện mô hình đã dần nhận được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, việc tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh. Bên cạnh đó cũng giảm bớt một phần chi phí, gánh nặng đối với những gia đình khi có tang gia.

Trước Duy Xuyên phải kể đến TP.Hội An. Đây được coi là địa phương tiên phong, đi đầu trong việc vận động nhân dân bỏ dần tập tục đốt, rải vàng mã, nhất là trong đưa tang. Cùng với đó, mặt trận, ngành văn hóa các địa phương như Đại Lộc, Điện Bàn, TP.Tam Kỳ… cũng vào cuộc quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động người dân hạn chế và bỏ dần việc đốt, rải vàng mã, gạo muối.

Không có trong giáo lý nhà Phật

Theo Hòa thượng Thích Thiện Thành - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, đốt vàng mã là một tục lệ dân gian, xuất phát từ Trung Quốc. Còn trong giáo lý nhà Phật không hề có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên trong ngày lễ thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ, hoặc làm lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh. Hòa thượng Thích Thiện Thành khẳng định, hiện nay tại hầu hết cơ sở tự viện (chùa) trong tỉnh không hướng dẫn và thực hiện nghi thức đốt vàng mã để cúng người âm. Việc đốt vàng mã chỉ phổ biến rộng rãi tại tư gia một số người dân và Phật tử… Đây là một vấn đề trong tâm lý người dân, do người này truyền tai (bắt chước) người kia mà đốt vàng mã. “Thời gian tới, GHPG tỉnh sẽ hướng các chùa tổ chức tụng kinh Dược Sư, niệm Phật, cúng Phật để cầu an cho tín đồ cũng như bà con nhân dân. Qua đó, hướng dẫn chư Tăng Ni trụ trì các cơ sở thường xuyên thuyết giảng, khuyên răn mọi người làm điều tốt đẹp, tích đức hành thiện, tạo nên sự đoàn kết, hòa thuận, tuyệt đối không nói những lời sai trái, hành vi trái với luân thường đạo lý” - Hòa  thượng Thích Thiện Thành nói.

Mới đây, Trung ương GHPG Việt Nam có Công văn số 31 về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Trong đó, GHPG Việt Nam đề nghị hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết, thực hiện công văn này, GHPG tỉnh sẽ hướng dẫn cho Tăng Ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. Đồng thời đề nghị chư tôn đức Tăng Ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã, các hình thức nhương sao giải hạn tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua đó chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; góp phần lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo khác trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, Phật tử.

Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết: “Giáo hội sẽ có công văn chỉ đạo phổ biến rộng đến các ban ngành, ban trị sự Phật giáo các huyện, thị xã, thành phố, chư tôn đức trụ trì các tự viện trong toàn tỉnh, thực hiện các nghi lễ đúng theo truyền thống Phật giáo, tổ chức các khóa lễ giao thừa, cầu an đầu năm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Giáo hội. Chú trọng yêu cầu trang nghiêm các cơ sở tự viện, khuyến khích các tự viện không để tình trạng bán sách tử vi, bói toán bói quẻ hay các hoạt động làm mất trật tự mỹ quan tại các cơ sở tự viện; thuyết giảng, khuyến tấn Phật tử và khách hành hương xoay quanh các chủ đề như: mừng xuân an lạc, vui xuân tiết kiệm, chánh kiến, nhân quả, pháp hội Dược sư, bài trừ mê tín dị đoan...

ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đốt, rải vàng mã: Một tập tục nên bỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO