Đốt, rải vàng mã là một trong những nghi thức thờ cúng của người dân từ xa xưa đến nay. Tại TP.Tam Kỳ, bên cạnh những hình ảnh đẹp, văn minh thì tập tục truyền thống này đã bị lạm dụng quá mức, trở thành hình ảnh xấu cần chấn chỉnh.
Đốt, rải vàng mã tràn lan tại khu vực ngã tư phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.L |
Đốt, rải vàng mã tràn lan
Địa bàn phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) có nghĩa địa Gò Trời, nơi an táng cho người dân thành phố và một số địa phương khác. Mỗi ngày luôn có các đám tang đi qua đây. Thời gian qua, tình trạng đốt, rải vàng mã một cách tràn lan, vô tội vạ của một bộ phận người dân đã gây nên nhiều bức xúc về ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Bà Phan Thị Bích - một tiểu thương buôn bán tại ngã tư phường Trường Xuân cho biết: “Tại ngã tư này, hầu như ngày nào cũng có đám tang đi qua, nhưng không có chỗ để đốt hương, đốt giấy nên người ta đốt ngay giữa ngã tư, khói hương bay nghi ngút. Đó là chưa kể đến việc rải vàng mã bay tứ tung, vô cùng phản cảm”. Trong khi đó, ông Trần Hùng Nhật (khối phố 1, phường Trường Xuân) nói: “Đốt vàng mã là tập tục không thể bỏ được. Nhưng tôi thấy đốt trên đường, rồi rải vàng mã nhiều có lẽ đi ngược lại với những nét đẹp truyền thống. Ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thì làm sao gọi là văn hóa được”.
Trên thực tế, quy ước xây dựng thôn, khối phố, dòng tộc, gia đình văn hóa đã quy định cụ thể nếp sống văn hóa trong việc cưới, tang, đình đám nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền là chính, thậm chí do tuyên truyền chưa thường xuyên nên tình trạng này vẫn diễn ra. Ông Mai Hữu Lâm - Phó Chủ tịch HĐND phường Trường Xuân nói: “Địa phương đã nhiều lần tuyên truyền đến người dân trên địa bàn không được đốt, rải vàng mã trên đường. Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra là do người dân ở các địa phương khác đưa tang qua đây thực hiện việc đốt và rải vàng mã”. Còn ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP.Tam Kỳ cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức để giải quyết vấn đề này một cách triệt để. Trong đó, sẽ yêu cầu các cơ sở dịch vụ đưa tang cùng với gia đình có tang không thực hiện việc đốt, rải vàng mã trên đường, hoặc đốt, rải đúng nơi quy định. Bên cạnh đó là đưa việc đốt, rải vàng mã văn minh vào trong các tiêu chí đánh giá khu dân cư, thôn, khối phố văn hóa và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân”.
Cách làm văn minh
Bên cạnh những hình ảnh đốt, rải vàng mã quá mức, thiếu ý thức của nhiều người dân diễn ra trong các ngày cúng, đám tang, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều cách thể hiện tập tục truyền thống này với một hình thức khá văn minh. Vẫn cúng rằm tháng Giêng năm nay như một tập tục truyền thống, cầu an lành, may mắn, nhưng những nhân viên tại cơ sở kinh doanh xe máy Trần Đình Châu, phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) lại thực hiện việc đốt vàng mã bằng một dụng cụ thùng sắt để hạn chế tối đa việc phát tán tàn hương, giấy đốt ra xung quanh. Anh Nguyễn Quốc Tiến - nhân viên cơ sở kinh doanh xe máy này nói: “Chúng tôi thực hiện việc đốt vàng mã trong thùng sắt này từ lâu rồi. Vì cơ sở chúng tôi nằm tại khu vực đường phố, nếu không làm vậy thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, khói bụi ảnh hưởng đến những người xung quanh”.
Nhiều người dân sinh sống tại các khu dân cư, đường phố lớn tại TP.Tam Kỳ cũng tự nhận thức được việc đốt, rải vàng mã trong những ngày cúng. Họ tự mua sắm các dụng cụ cần thiết và thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Văn Liền - người dân sinh sống trên đường Hùng Vương, phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) nói: “Lúc trước chưa có dụng cụ nào để đốt vàng mã, tôi thấy đốt trên đường không chỉ ảnh hưởng đến những người xung quanh mà chính gia đình mình cũng bị ảnh hưởng. Tàn hương, khói bụi bay tạt vào nhà, không khí bị ô nhiễm. Do vậy, gia đình tôi đã đốt vàng mã trong một cái thau nhỏ để giảm bớt tình trạng ô nhiễm và tôi thấy làm như thế này mới văn minh”.
Nếu như ai cũng có những nhận thức đúng đắn về cách đốt rải vàng mã văn minh thì tập tục truyền thống văn hóa xưa sẽ phát huy được những giá trị tốt đẹp. Trong khi vẫn còn những hình ảnh xấu hiển hiện trong tập tục này thì việc thay đổi thói quen, quan niệm lệch lạc không phải là chuyện một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian dài để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Ngoài việc tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân thông qua công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp căn cơ về mặt pháp lý, chế tài xử phạt thì mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đã đến lúc chính người dân Tam Kỳ cần trách nhiệm với hình ảnh thành phố đô thị loại 2 bằng những việc làm văn hóa.
XUÂN TRƯỜNG - VÕ LY