Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng (DTU) là trường đại học (ĐH) tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung, đã gặt hái được nhiều thành tích về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Các giải thưởng lớn trong năm 2017 của DTU là minh chứng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao giải Nhất - Giải Nhân tài Đất Việt 2017 cho nhóm tác giả DTU. Ảnh: N.T.B |
Từ giải Newton danh giá
Ngày 16.11.2017 tại trụ sở Bộ Khoa học và công nghệ diễn ra Lễ trao giải Newton Việt Nam 2017 với sự tham dự Đại sứ Anh tại Việt Nam. Tại đây, dự án “Duy trì hệ thống viễn thông trong điều kiện thiên tai” (Communicating in a disaster) của đồng tác giả TS.Dương Quang Trung (ĐH Queen’s Belfast, Anh) và TS.Võ Nguyên Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học và ứng dụng cơ bản (ĐH Duy Tân) đã xuất sắc giành giải Newton Việt Nam 2017 trị giá 200.000 bảng Anh (xấp xỉ 6 tỷ đồng).
Dự án “Duy trì hệ thống viễn thông trong điều kiện thiên tai” được đánh giá là hệ thống có nhiều tiềm năng ứng dụng trong việc quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, cũng như trong các dịch vụ y tế điện tử. Đây là dự án thuộc khuôn khổ một chương trình hợp tác có tính tổng thể đầu tiên giữa hai Chính phủ Anh và Việt Nam, trong lĩnh vực nghiên cứu - sáng tạo. “Chúng tôi đã tận dụng các công nghệ và cơ sở hạ tầng mạng viễn thông không dây hiện có nhằm đảm bảo yêu cầu kết nối trong điều kiện thiên tai Việt Nam. Đây chính là những thời điểm mà cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất” - TS.Dương Quang Trung chia sẻ.
Năm 2016, TS.Dương Quang Trung (quê Hội An) đã được vinh danh là nhà khoa trẻ xuất sắc nhất ĐH Queen’s Belfast, Anh - một trong 100 ĐH tốt nhất thế giới - nơi ông đang giảng dạy. Dù rất bận rộn nhưng năm nào TS.Dương Quang Trung cũng tranh thủ về thăm quê, phối hợp ĐH Duy Tân mở các trại hè nghiên cứu khoa học quốc tế, giúp cho hàng chục trí thức trẻ quê nhà săn được học bổng theo học chương trình nghiên cứu sinh ở các nước Anh, Pháp, Nhật, Mỹ…
Đến Giải Nhân tài Đất Việt 2017
“Chức năng của trường ĐH là đào tạo và nghiên cứu khoa học. ĐH phải sáng tạo, có phát kiến và ý tưởng mới. Do đó công tác nghiên cứu khoa học không thể tách rời, mà phải gắn với đào tạo, gắn với doanh nghiệp và hợp tác đào tạo quốc tế”. (Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú LÊ CÔNG CƠ - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân) |
Cùng ngày 16.11.2017, tại Hà Nội, trong lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao giải Nhất lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) cho sản phẩm “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” của nhóm tác giả Trường ĐH Duy Tân. Đây cũng là giải Nhất duy nhất trong Giải Nhân tài Đất Việt 2017.
Giải Nhân tài Đất Việt khởi xướng từ năm 2005 do Báo Dân Trí phối hợp Tập đoàn VNPT tổ chức. Chủ đề Giải Nhân tài Đất Việt 2017 là “Công nghệ sáng tạo, kết nối thông minh” nhằm hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khởi nghiệp sáng tạo. Giải đã thu hút 289 sản phẩm dự thi ở các nhóm: sản phẩm CNTT tiềm năng; sản phẩm CNTT ứng dụng trên thiết bị di động và sản phẩm CNTT khởi nghiệp. Nhóm tác giả DTU gồm: Lê Nguyên Bảo, Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Lương Thọ, Nguyễn Minh Đức và Lê Hoàng Quốc Bảo đã dự thi ở nhóm sản phẩm CNTT tiềm năng và đã xuất sắc đoạt giải Nhất trị giá 100 triệu đồng.
Sản phẩm này được đánh giá cao bởi những hiệu quả tích cực mang lại trong công tác đào tạo chuyên ngành y khoa. Cụ thể, sản phẩm ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D trong giải phẫu học đã hoàn thiện hầu như toàn bộ các mô hình 3D cho các hệ và cơ quan cơ thể người. Trong đó, các hệ quan trọng như: hệ xương; hệ cơ; hệ mạch máu và tim; hệ dây thần kinh và não; hệ hô hấp; hệ tiêu hóa; hệ bài tiết và sinh dục… với hơn 3.924 chi tiết mô phỏng và thực hiện hoàn toàn theo đặc điểm nhân dạng và giải phẫu của người Việt. Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS-TS.Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, quá trình triển khai thực hiện, sản phẩm ứng dụng 3D này đã được các giáo sư cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành về y khoa đang giảng dạy tại các ĐH y cũng như bệnh viện lớn trong nước theo sát, kiểm tra và thẩm định. Vì thế, ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D đảm bảo tính chính xác về những chi tiết và dữ liệu y khoa của người Việt. Đây cũng là khác biệt cơ bản so với các sản phẩm mô phỏng khác của thế giới đang bán trên thị trường. ThS. Lê Văn Chung - thành viên nhóm tác giả DTU cho biết: “Đây là tâm huyết sau 5 năm dày công nghiên cứu của cả nhóm. Với sản phẩm này, chúng tôi mong muốn góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao hiệu quả giảng dạy y khoa, hỗ trợ đắc lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng. Sản phẩm này đã và đang được đưa vào giảng dạy cho sinh viên khối ngành Khoa học sức khỏe tại trường và đã nhận được những phản hồi tích cực của giảng viên và sinh viên”.
Và cú “hat trick” của nhà vô địch
Năm 2009, qua kiểm định lần thứ nhất, Trường ĐH Duy Tân được 0 điểm về nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, phát triển nghiên cứu khoa học của Duy Tân đã trở thành “điểm sáng” của ĐH Việt Nam. Đặc biệt, 2017 là năm đầu tiên khối lượng công bố quốc tế của các nhà nghiên cứu ĐH Duy Tân đã chạm cột mốc ấn tượng: 340 công bố ISI, 12 công bố Scopus và 13 công bố quốc tế khác. Có nghĩa, gần như bình quân mỗi ngày trong năm 2017 giảng viên của Trường ĐH Duy Tân công bố được 1 công trình ở đẳng cấp quốc tế. Đây là con số không dễ dàng đạt được đối với các trường đại học trong nước, cả công lập và ngoài công lập hiện nay. |
Năm 2017 cũng là năm ghi nhận nhiều thành tích của sinh viên DTU trên các “đấu trường” quốc gia và quốc tế, với bảng vàng thành tích: xếp thứ nhất trong số các đội quốc tế tham dự cuộc thi VolgaCTF 2017 về An toàn thông tin tại Nga (tháng 9.2017); vô địch quốc gia cuộc thi “Giải pháp xanh cho thành phố 2017” (Go Green in the City 2017) tại TP.Hồ Chí Minh; giải nhất cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính - TP.Đà Nẵng năm 2017; giải nhất và nhì cuộc thi Microsoft Imagine Cup 2017; vô địch cuộc thi An toàn thông tin khu vực miền Trung 2017…
Nổi bật là cuộc thi CDIO Academy 2017, tổ chức tại ĐH Calgary - Canada (từ ngày 18 đến 21.6.2017). Cuộc tranh tài có 30 thí sinh đến từ các trường đào tạo khoa học kỹ thuật hàng đầu của 15 quốc gia, trong đó 4 sinh viên DTU và 1 SV trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đại diện cho Đoàn Việt Nam tham gia. Đề thi là “Trong tương lai xe tự động sẽ gặp những vấn đề gì và giải pháp để giải quyết các vấn đề đó”. Cuộc thi yêu cầu sinh viên trong mỗi đội phải tách ra để lập nhóm với thành viên đến từ các nước khác tham gia. Trong 4 ngày, nhóm Jet Lagget gồm Lê Đình Nhật Khánh - sinh viên chuyên ngành Công nghệ phần mềm chuẩn CMU (Khoa Đào tạo quốc tế DTU) cùng với 6 sinh viên các nước Đài Loan, Nga và Canada hợp tác, hình thành ý tưởng, xây dựng giải pháp, cùng sản phẩm demo (prototye) để trình bày trước Hội đồng giám khảo. Nhờ có kỹ năng và hiểu biết chuyên sâu, chỉ trong 1 ngày, sinh viên Lê Đình Nhật Khánh đã xây dựng thành công sản phẩm prototye. Đồng thời thuyết trình tự tin, chuyên nghiệp với tiếng Anh lưu loát giúp cho dự án “Unified sensor system” của nhóm đoạt Cúp vô địch - Winner CIDIO Academy 2017.
Còn nhớ 5 năm trước, lần đầu tiên sinh viên DTU đoạt Cúp vô địch CIDIO Academy 2013 tại Học viện Kỹ thuật MIT và ĐH Harvard (Hoa Kỳ), lần thứ hai đoạt Cúp vô địch CIDIO Academy 2016 tại Phần Lan. Cúp vô địch CIDIO Academy 2017 tại Canada là lần thứ ba. Chỉ trong 5 năm, sinh viên DTU đã lập “Cú hattrich” CIDIO Academy ngoạn mục!
NGUYỄN THANH BÌNH